Gỡ điểm nghẽn kết nối giao thông giữa Long An và TP.HCM
Nhằm thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, phát triển của hai địa phương, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM thống nhất chủ trương đầu tư giai đoạn 2021 – 2025, ưu tiên 6 dự án kết nối giao thông tỉnh Long An với khoảng 21.510 tỉ đồng.
Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ từ TP.HCM, Đông Nam bộ đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại. Đồng thời, đây là địa phương có đường biên giới, cửa khẩu quốc tế, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Tuy nhiên, giao thông kết nối của tỉnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển giữa Long An và TP.HCM, các tuyến đường kết nối tới cảng, các khu, cụm công nghiệp còn thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các tuyến đường kết nối giữa TP.HCM - Long An được ưu tiên đầu tư trong thời gian qua đã quá tải, đơn cử như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, quốc lộ 1, quốc lộ 50, N2. Các tuyến đường này có nhược điểm là thắt cổ chai, chưa phát huy được thế mạnh kinh tế của tỉnh. Do vậy, việc sớm đầu tư các dự án kết nối tỉnh Long An với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL là hết sức cần thiết.
Nhằm liên kết giữa TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Tây, Sở GTVT TP.HCM cho biết vừa kiến nghị đầu tư 6 dự án với tổng vốn hơn 21.500 tỉ đồng kết nối giao thông giữa TP.HCM và tỉnh Long An nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai địa phương.
Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương đầu tư giai đoạn 2021-2025, ưu tiên 6 dự án kết nối với Long An.
Cụ thể, đường mở mới phía Tây Bắc (phía TP.HCM đã có quy hoạch), tổng mức đầu tư dự kiến là 6.460 tỷ đồng. Trong đó, đoạn TP.HCM nâng đường Nguyễn Thị Tú và đường Liên ấp 6-2-5 với kinh phí khoảng 5.200 tỷ đồng; đoạn tỉnh Long an với kinh phí khoảng 1.260 tỷ đồng.
Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã ba Giòng - cầu TL9) và xây dựng cầu Lớn. Đây là đoạn kết nối huyện Hóc Môn với huyện Đức Hòa, dài 22km (TP.HCM 7,3km, Long An 15km), mặt cắt ngang 4 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến 4.270 tỷ đồng. Đường Võ Văn Kiệt nối dài, huyện Bình Chánh kết nối Khu công nghiệp Hải Sơn – Tân Đô, huyện Đức Hòa. Tổng mức đầu tư dự kiến 3.300 tỷ đồng (đoạn TP.HCM với kinh phí khoảng 3.300 tỷ đồng, đoạn tỉnh Long An đã đầu tư đường quy mô 6 làn xe).
Quốc lộ 50 đi qua huyện Bình Chánh và huyện Cần Giuộc, tổng mức đầu tư dự kiến 2.150 tỷ đồng. Trong đó, đoạn TP.HCM nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng; đoạn tỉnh Long An kinh phí khoảng 650 tỷ đồng. Đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TP.HCM) nối Đường tỉnh 826C (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), tổng mức đầu tư dự kiến 1.030 tỷ đồng. Trong đó, đoạn TP.HCM xây mới đường và cầu Rạch Dơi với kinh phí khoảng 790 tỷ đồng; đoạn tỉnh Long An nâng cấp đường tỉnh ĐT826C kinh phí khoảng 240 tỷ đồng.
Ngoài ra, đường song song Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh kết nối với đường Trục động lực, huyện Cần Giuộc, tổng kinh phí dự kiến 4.300 tỷ đồng. Trong đó, đoạn TP.HCM với kinh phí đầu tư 3.200 tỷ đồng, tỉnh Long An đầu tư mới với kinh phí 1.100 tỷ đồng. Các dự án kết nối còn lại sẽ được nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Đối với các dự án Sở GTVT đã trình thẩm định chủ trương đầu tư công, Sở đề nghị thành phố chỉ đạo sớm xem xét, thẩm định; kịp thời báo cáo Thường trực UBND thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy có ý kiến chỉ đạo để thông qua HĐND trong kỳ họp gần nhất. Đối với các dự án xin chủ trương lập đề xuất lập chủ trương đầu tư (đường song song Quốc lộ 50; Nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn; Xây dựng đường mở mới Tây Bắc; Nâng cấp mở rộng đường Long Hậu), kiến nghị thành phố giao Sở GTVT lập đề xuất, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định sau khi có kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được đề xuất cập nhật, rà soát kết nối với tỉnh Long An và các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, trong đó ưu tiên dự án đường Võ Văn Kiệt kéo dài và cầu Rạch Dơi.
Vài năm trở lại đây, với tốc độ phát triển mạnh mẽ, khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè (TP HCM) hay Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc (Long An) luôn tập trung đông đúc các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, chế xuất… Vì vậy, nhu cầu hạ tầng của người dân là rất lớn và các trục đường hiện hữu là không đủ.
Theo ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Long An, các tuyến đường kết nối có vai trò quan trọng, được ưu tiên phối hợp đầu tư, thuộc chương trình thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa hai địa phương trong thời gian tới. Khi hoàn thành có ý nghĩa lớn, thúc đẩy Long An và TP.HCM phát triển về mọi mặt.