Gỡ khó cho các dự án sử dụng đất trồng lúa, đất rừng

Năm 2020, Đồng Nai có khoảng 62 dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng với diện tích khoảng 114 hécta. Với các dự án này, nếu không có biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời thì sẽ rơi vào tình trạng dây dưa kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Năm 2020, huyện Vĩnh Cửu có 9 dự án phải sử dụng đất lúa nhưng diện tích chỉ 0,5-1 hécta. Ảnh: H.Giang

Năm 2020, huyện Vĩnh Cửu có 9 dự án phải sử dụng đất lúa nhưng diện tích chỉ 0,5-1 hécta. Ảnh: H.Giang

Thời gian qua, có nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh vì “vướng” vào đất lúa, đất rừng nên chưa triển khai được. Nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn vốn cho dự án nhưng chỉ vì vướng một phần diện tích vào đất trồng lúa hoặc đất rừng đành phải đợi điều chỉnh quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được triển khai.

* Nhiều dự án hạn chế sử dụng đất lúa

Ngoài những dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua thì năm 2020, UBND tỉnh đưa vào danh mục thu hồi đất thêm 145 dự án. Trong đó, có trên 40% dự án có liên quan đến đất lúa, đất rừng.

Theo Điều 58 Luật Đất đai và Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 hécta đất trồng lúa, dưới 20 hécta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sẽ do HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết. Chuyển đổi trên 10 hécta đất lúa và trên 20 hécta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Do đó, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh chỉ sử dụng đất lúa, đất rừng ở khung thuộc HĐND tỉnh thông qua để hạn chế việc phải trình Chính phủ phê duyệt.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết: “Năm 2020, TP.Biên Hòa đề xuất HĐND tỉnh thông qua 20 dự án có sử dụng đất lúa và diện tích dưới 10 hécta. Hiện UBND tỉnh đã thống nhất và dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm nay. Các dự án sử dụng đất lúa được HĐND tỉnh thông qua khi triển khai sẽ thuận lợi hơn”.

Cũng theo ông Lộc, khó khăn về dự án có sử dụng đất lúa đã được tháo gỡ, nhưng TP.Biên Hòa lại gặp vướng mắc về bồi thường, tái định cư. Vì giá đất TP.Biên Hòa hiện tăng rất cao, giá bồi thường thấp hơn nhiều giá giao dịch trên thị trường nên nhiều người dân chưa đồng thuận. Bên cạnh đó, TP.Biên Hòa đang thiếu các khu tái định cư cho các hộ bị giải tỏa trắng.

Tương tự, huyện Tân Phú có nhiều dự án phải thu hồi đất lúa, song huyện hạn chế thu hồi đất lúa, nếu có chỉ thu hồi dưới 10 hécta để phạm vi điều chỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND tỉnh.

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho hay: “Huyện chỉ có Cụm công nghiệp Phú Thanh sử dụng hơn 10 hécta đất lúa phải đề xuất Chính phủ đồng ý, còn lại các dự án khác đều hạn chế thu hồi đất lúa. Lâu nay, các dự án liên quan đến đất lúa thường triển khai rất chậm. Cụ thể, những dự án liên quan đến đất lúa phải đúng quy hoạch, có chủ trương đầu tư mới được đưa vào danh mục thu hồi đất”.

* Đẩy nhanh tiến độ dự án

Các dự án sử dụng đất lúa, đất rừng đưa vào danh mục thu hồi đất năm 2020 đã được UBND tỉnh lấy ý kiến các sở, ngành và cơ bản thống nhất. Dự kiến đầu tháng 12-2019, HĐND tỉnh sẽ họp và ban hành nghị quyết các dự án chuyển đổi đất lúa, đất rừng. Sau đó, các địa phương sẽ căn cứ vào nghị quyết được HĐND tỉnh phê duyệt để chuyển đổi đất lúa, đất rừng sang đất dự án trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức nói: “Các địa phương đề xuất đưa 168 dự án vào danh mục thu hồi đất để trình HĐND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên qua rà soát các sở, ngành chỉ đề xuất 145 dự án. Những dự án được đưa vào danh mục đều có chủ trương đầu tư, bố trí nguồn vốn”.

Theo đó, những dự án phải chuyển đổi đất lúa, đất rừng trong thời gian tới sẽ thuận lợi để triển khai vì phù hợp quy hoạch và đã có sẵn nguồn vốn. UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thu hồi đất cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, nhiều dự án của Đồng Nai triển khai chậm, dẫn đến giải ngân thấp. Các dự án kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, các sở, ngành phải phối hợp với các địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong 62 dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng nhưng diện tích ít sẽ do HĐND tỉnh thông qua nên sẽ không gặp khó khăn trong việc chuyển đổi để thực hiện.

Tại Đồng Nai, nhiều khu vực không còn phù hợp để giữ đất lúa, nhưng theo quy định của Luật Đất đai, việc chuyển đổi đất lúa sang những đất khác rất khó khăn. Những địa phương có nhu cầu chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang đất khác là: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành...

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201911/go-kho-cho-cac-du-an-su-dung-dat-trong-lua-dat-rung-2975150/