Gỡ khó cho các 'ông lớn' thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Sẽ sớm có một nghị quyết riêng của Chính phủ để xử lý các vướng mắc trong việc triển khai các dự án do những 'ông lớn' thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) làm chủ đầu tư.
Định rõ thẩm quyền
Những vướng mắc “khê đọng” hơn một năm nay liên quan đến hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty do SMSC làm đại diện chủ sở hữu sẽ cơ bản được tháo gỡ, nếu chiểu theo các đề xuất vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải gửi công văn tham mưu Chính phủ để xử các nút thắt đang khiến nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng năng lượng và giao thông vận tải (GTVT) bị đình trệ ngay từ bước phê duyệt đầu tư kể từ khi 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện phần vốn về SMSC.
Trong Công văn số 9712/BKHĐT-PC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết về việc xử lý các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc SMSC với 2 nội dung: giao nhiệm vụ cho các bộ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án hoàn thiện các luật có liên quan (chủ yếu là Luật Đầu tư) và xử lý ngay một số vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục phương án sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đầu tư theo hướng quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có mức vốn dưới 5.000 tỷ đồng, thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và bổ sung quy định về hồ sơ dự án đầu tư.
Trong thời gian Luật Đầu tư sửa đổi chưa được Quốc hội thông qua, để gỡ khó cho việc phê duyệt và quyết định chủ trương đầu tư đối các dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng theo trình tự 3 bước gắn với trách nhiệm của từng chủ thể.
Đối với giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, doanh nghiệp phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S). Sau khi Pre F/S được phê duyệt, doanh nghiệp nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định để tổ chức thẩm định, trình cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương, như các dự án truyền tải điện, đường cao tốc, đường sắt liên vùng…, cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành chủ trì tổ chức thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với dự án sản xuất, truyền tải, phân phối điện có tính chất chuyên ngành, phức tạp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, nhưng Ủy ban không đủ năng lực thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Gỡ tổng thể
Trước đó, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 11/2019, đối với vướng mắc liên quan thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giao SMSC quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty nhà nước là không phù hợp với quy định của cả Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69)
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thống nhất áp dụng thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc loại hình nói trên theo hướng: SMSC có trách nhiệm phê duyệt dự án đầu tư để HĐTV hoặc chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư theo đúng thẩm quyền.
Một hướng dẫn rất quan trọng khác mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng thông qua có liên quan đến việc chuyển giao cho SMSC các dự án đang được các bộ, ngành thực hiện và việc xác định thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư công, dự án ODA.
Hiện nay, một lượng lớn các dự án đang được Bộ, ngành quản lý và chuyển giao về SMCS, nhất là các dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam bị vướng mắc liên quan đến việc đơn vị nào sẽ đóng vai trò cơ quan chủ quản khi tiến hành phê duyệt điều chỉnh dự án, gia hạn hiệp định vay vốn.
Thời gian qua, SMSC đã có nhiều văn bản đề nghị giao cho các bộ tiếp tục thực hiện chức năng cấp quyết định đầu tư, cơ quan chủ quản đầu tư trong việc xử lý các vướng mắc cho đến khi các dự án này hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán.
Đối với đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị SMCS xác định rõ tính chất các dự án. Đối với các dự án đầu tư công, tại Nghị quyết số 50/NĐ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6/2019, kế hoạch đầu tư công để thực hiện các dự án của các tập đoàn, tổng công ty đã chuyển về SMCS sẽ tiếp tục được giao cho các bộ trong trường hợp không hình thành tài sản nhà nước tại doanh nghiệp,
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc giao cho các bộ với tư cách là cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư đối với một số dự án đầu tư công đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư và các dự án đang thi công cho đến khi hoàn thành như đề xuất của SMSC là phù hợp và có tính khả thi.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những vướng mắc của các dự án được chuyển giao về SMCS không hoàn toàn xuất phát từ tính đặc thù của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của SMCS, mà đây là vướng mắc chung đối với nhiều dự án đầu tư khác do Luật Đầu tư, Luật số 69, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn còn có một số quy định thiếu cụ thể, hoặc có sự không thống nhất...
“Do vậy, cần có phương án xử lý toàn diện bằng việc sửa đổi, bổ sung quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ trong việc thi hành pháp luật”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.