Gỡ khó cho cha mẹ trong việc giáo dục trẻ thời công nghệ

Dưới góc nhìn của mình, ThS. Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel cho rằng, để giáo dục trẻ trong thời đại công nghệ số, điều mà mỗi gia đình cần có là kinh phí, sức khỏe, nguồn nhân lực, am hiểu kiến thức giáo dục, thời gian đồng hành và chia sẻ cùng con.

ThS. Đinh Văn Thịnh nêu quan điểm, để giáo dục con trong thời đại số, cha mẹ cần có kinh phí, am hiểu kiến thức, đồng hành và chia sẻ cùng con. (Ảnh: NVCC)

ThS. Đinh Văn Thịnh nêu quan điểm, để giáo dục con trong thời đại số, cha mẹ cần có kinh phí, am hiểu kiến thức, đồng hành và chia sẻ cùng con. (Ảnh: NVCC)

Nhiều người cho rằng, việc giáo dục con thời nay khó hơn, nhiều áp lực hơn so với trước đây. Anh có nghĩ như vậy?

Ở mỗi giai đoạn, việc giáo dục con luôn gặp những khó khăn và áp lực riêng. Nhưng xét kỹ có thể thấy, giáo dục con trong thời đại ngày nay - thời đại của sự thay đổi liên tục và con người trong xã hội ấy muốn thích nghi cần phải được giáo dục nhiều thứ. Đồng thời, phải được trang bị những hành trang sống cần thiết để thích nghi không ngừng.

Giáo dục con, cần đảm bảo giáo dục toàn diện, hướng tới các phương diện giáo dục về đạo đức, thể chất, lao động, thẩm mỹ, trí tuệ...

Trước hết, để giáo dục con trong thời đại công nghệ số, điều mà mỗi gia đình cần có là kinh phí, sức khỏe, nguồn nhân lực, am hiểu kiến thức giáo dục, thời gian đồng hành và chia sẻ cùng con.

Giáo dục trẻ thời nay không chỉ áp lực về kinh tế - tài chính, mà còn áp lực trong việc định hướng cho con trong thời đại - một thời đại của công nghệ, của sự phát triển và đa kết nối.

Có quá nhiều điều mang lại lợi ích nhưng đồng thời cũng có nhiều tiêu cực, độc hại, đang từng ngày tác động và ảnh hưởng, làm cho việc giáo dục con ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Áp lực thành tích, muốn con học giỏi học tốt là điều mỗi cha mẹ đều khát khao, nhưng việc bắt ép con và giáo dục con thật nhiều, đầu tư thật nhiều cho con, không muốn con phải thua thiệt, đặt sự kỳ vọng cao trong đứa trẻ, kết quả không đạt được thì cha mẹ dễ rơi vào thất vọng và áp lực.

Bên cạnh đó, áp lực đến từ bối cảnh và đời sống xã hội phát triển, ai cũng muốn điều tốt nhất cho con, nhưng để làm được điều này đòi hỏi cha mẹ rất cố gắng và áp lực, điều này sẽ lấy đi rất nhiều thời gian. Có tài chính lo cho con, nhưng lại không có thời gian bên con, học tập và chơi cùng con. Cha mẹ đi làm, phát triển mối quan hệ nhiều, nhưng lại giảm dần sự tương tác với con. Đó là điều đáng lo ngại trong thời đại ngày nay.

Hiện nay, phụ huynh bị “ngợp”, lúng túng bởi trên mạng xã hội có rất nhiều phương pháp giáo dục trẻ. Anh có lời khuyên gì trong câu chuyện này?

Giáo dục trẻ, có rất nhiều phương pháp khác nhau, quan trọng nhất mỗi gia đình cần làm là tìm một phương pháp phù hợp với con mình. Đồng thời, phương pháp này phải đảm bảo khoa học và phát triển cho con. Cha mẹ hãy tìm hiểu về mức độ tên tuổi, uy tín của chuyên gia chia sẻ, các bằng chứng khoa học được nghiên cứu, sách hoặc tạp chí nào viết và đã được trích dẫn từ chuyên gia ra sao.

Thay vì, tin tưởng vào các chuyên gia mạng, mức độ uy tín chưa được kiểm định, phụ huynh có thể tìm hiểu các khóa học về giáo dục con từ các chuyên gia giáo dục của các trường đại học, các cơ sở đào tạo uy tín, trung tâm… Ngoài ra, cha mẹ có thể mua và đọc thêm sách đã được xuất bản từ các chuyên gia giáo dục nghiên cứu và viết.

Thực tế, vấn đề làm sao để thấu hiểu con, “làm bạn” với con không phải chuyện dễ khi mà cha mẹ luôn bận rộn và sự “xâm nhập” của điện thoại, công nghệ. Có cách nào để cha mẹ gần con hơn?

Sự bận rộn của cha mẹ trong thời đại ngày nay đang gia tăng. Ngoài công việc, cha mẹ còn nhiều mối tương quan khác nhau và công nghệ là một phần của cuộc sống hôm nay. Vì thế, đa số mọi hoạt động trong cuộc sống hầu như đều có sự hỗ trợ của công nghệ.

Các bậc cha mẹ có thể sử dụng công nghệ để quan tâm và chia sẻ cùng con khi ở xa gia đình lúc đi học, đi chơi. Đây là một phương tiện hữu hiệu giúp con cảm nhận được sự thương yêu và đồng hành của cha mẹ dành cho mình trên mọi nẻo đường.

Để gần con hơn, thông qua các hoạt động trải nghiệm tại nhà, cha mẹ hãy cùng con làm, chỉ dẫn con các kỹ năng như nấu ăn, giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, tự chăm sóc bản thân, chăm sóc thú cưng, cây cảnh.Tham gia các hoạt động dã ngoại, du lịch hỗ trợ kết nối các thành viên trong gia đình. Qua những hoạt động đó, con khám phá thế giới xung quanh, kết hợp cha mẹ giáo dục trẻ thông qua chuyến đi, hiểu trẻ hơn thông qua các hoạt động trẻ tiếp xúc.

Học tập chung một khóa học mới, trang bị một kiến thức mới, kỹ năng, môn thể thao mới cùng trẻ cũng là cách để gần gũi và nâng đỡ, cùng học tập với con, ghi nhớ và thực hành cùng con. Ví dụ, học ngoại ngữ, học làm bánh, học đan len hoặc học chơi một bộ môn thể thao.

Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng con thực hành, tập viết lòng biết ơn mỗi ngày, hướng dẫn con viết nhật ký, cùng kể chuyện cho nhau nghe. Từ đó, cha mẹ hiểu hơn về thế giới của con, nếu tốt đẹp, thì cha mẹ khuyến khích, nuôi dưỡng thêm những điều tích cực đó; nếu khó khăn cha mẹ cùng tháo gỡ.

Giáo viên cũng cần là “một người bạn” theo nghĩa nhiệt tình và tận tâm với trò, là một người bạn của học trò. (Ảnh: NVCC)

Giáo viên cũng cần là “một người bạn” theo nghĩa nhiệt tình và tận tâm với trò, là một người bạn của học trò. (Ảnh: NVCC)

Giáo dục trẻ em thời đại công nghệ có gì khó dưới góc nhìn của anh?

Giáo dục trẻ trong thời đại công nghệ có rất nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn, áp lực. Thuận lợi trong việc con có thể tự học, tìm kiếm kiến thức một cách chủ động dựa trên các nền tảng ứng dụng, Internet, để tự phát triển và trau dồi cho bản thân. Trẻ tự kết nối và mở rộng mối quan hệ, học tập từ xa cùng các bạn, tiếp thu kiến thức phong phú, nhiều góc nhìn, thông tin cập nhật nhanh chóng.

Bên cạnh đó, công nghệ có rất nhiều tính năng thu hút trẻ, vì thế việc giáo dục đơn thuần, truyền thống thiếu hình ảnh và hoạt động trải nghiệm thì rất khó thu hút và giáo dục trẻ. Trẻ sử dụng công nghệ lâu ngày sẽ dễ nghiện, thì sẽ rất khó khăn trong quá trình giáo dục. Hoặc trẻ dễ bị chi phối bởi công nghệ và các mạng xã hội, mê các mối quan hệ ảo.

Thời đại công nghệ phát triển, thông tin mà trẻ tiếp nhận cực kỳ nhiều, đôi khi cái trẻ tiếp nhận chưa có cơ sở khoa học và đúng đắn, thông tin chưa được nghiên cứu và xác minh, vì thế rất dễ xảy ra sự tự định hướng và bắt chước không đúng đắn.

Hơn thế, trẻ tiếp cận nhiều công nghệ. Các em có thể nghĩ bản thân đã biết khá nhiều thứ và xem thường những ý hướng giáo dục từ cha mẹ và hướng dẫn từ ông bà, những người trong gia đình; hay làm trái ý và cha mẹ dễ thất bại trong việc giáo dục và định hướng cho con.

Đặc biệt, có nhiều mối quan hệ trong thời đại công nghệ, vì thế những điều trẻ tiếp nhận và học được rất nhiều từ bạn bè. Cha mẹ giáo dục tốt nhưng việc con chơi với bạn quen qua mạng, không được chọn lọc kỹ càng cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn, lệch hướng với ý định tốt ban đầu mà cha mẹ giáo dục hướng dẫn.

Không chỉ cha mẹ mà giáo viên cũng có những rào cản nhất định trong việc “làm bạn” với học trò của mình. Anh có gợi ý gì trong việc này?

Giáo viên cũng cần là “một người bạn” theo nghĩa nhiệt tình và tận tâm với trò, là một người bạn của học trò không đồng nghĩa với việc cởi mở trong tất cả, cũng cần có ranh giới thầy và trò trong xưng hô, ngôn từ và câu chuyện chia sẻ. Giáo viên cần thấu hiểu học trò là những người đang trong hành trình lớn lên và muốn hiểu biết về thế giới, cần hành trang để sống…

Học trò cũng có nhiều yếu đuối và thiếu sót, đầy những tâm tư và khó khăn. Giáo viên thay vì làm việc theo nguyên tắc cứng nhắc thì cân nhắc phương pháp phù hợp để thay đổi tiếp cận các em. Tức là, thay vì chì chiết thì giáo viên hãy trò chuyện cá nhân, chia sẻ, tạo điều kiện để các em thay đổi và rút kinh nghiệm, được lớn lên mỗi ngày.

Học tập, trải nghiệm các hoạt động với trò, sẵn sàng trò chuyện và thoát gỡ khó khăn với trò là một trong những cách thức “làm bạn" hữu hiệu với trò.

Tháng hành động vì trẻ em, anh muốn gửi thông điệp gì với trẻ và cả các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con?

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ là phần trách nhiệm rất lớn của mỗi bậc cha mẹ, khi trẻ còn nhỏ, khả năng tự vệ và chăm sóc bản thân còn hạn chế. Vì thế, mỗi bậc cha mẹ sẽ phải bảo vệ con mình được an toàn trước mọi nguy hiểm và trang bị cho con những kiến thức tự bảo vệ và tự chăm sóc bản thân.

Muốn giáo dục con cái thành công, trước hết mỗi cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con noi theo, trong lời nói, hành vi và lối sống hàng ngày. Giáo dục trẻ về điều mà bản thân mỗi cha mẹ chưa làm được thì rất khó thuyết phục trẻ. Ví dụ, lời hay ý đẹp, hành động đẹp, chăm chỉ học tập, kính trên nhường dưới. Cha mẹ nên noi gương và thực hiện trước để trẻ nhìn vào hình ảnh sống động ấy mà học tập theo.

Giáo dục trẻ, hướng dẫn trẻ tự chăm sóc và bảo vệ bản thân không chỉ là trách nhiệm của cơ sở giáo dục và xã hội mà thôi, mà còn là trách nhiệm cực kỳ lớn từ gia đình. Gia đình cần trang bị cho trẻ những kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, trang thiết bị để trẻ có thể nhờ cha mẹ trợ giúp kịp thời, cần giám sát và đồng hành cùng con trong các hoạt động khi con còn hạn chế khả năng tự bảo vệ bản thân.

Xin cảm ơn anh!

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/go-kho-cho-cha-me-trong-viec-giao-duc-tre-thoi-cong-nghe-273727.html