Gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp

Nửa đầu năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Thủ đô đang có xu hướng giảm cả về số lượng lẫn vốn đăng ký. Vì vậy, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền Hà Nội trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hà Nội ước tăng 6% (nhỉnh hơn so với cùng kỳ là 5,97%). Trong đó, dịch vụ tăng 6,55% (cùng kỳ tăng 7,54%); công nghiệp và xây dựng tăng 5,37% (cùng kỳ tăng 3,28%); nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,94% (cùng kỳ tăng 2,24%); thuế sản phẩm tăng 4,38% (cùng kỳ tăng 2,41%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán và tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó các khoản thu từ xuất nhập khẩu, từ dầu thô và thu nội địa đều tăng so với cùng kỳ.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA. Ảnh: MINH ĐỨC

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA. Ảnh: MINH ĐỨC

Thời gian qua, Hà Nội cũng tích cực thực hiện các giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn FDI (tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 120 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1,036 tỷ USD.

Dù tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó trong hoạt động duy trì sản xuất, kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2024, thành phố có khoảng 391.880 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có 15.502 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn 149.188 tỷ đồng (giảm 3% về số lượng doanh nghiệp, giảm 3% về vốn đăng ký); số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 14%; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 26%. Theo ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp, phần lớn khó khăn tập trung ở những vấn đề về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vướng mắc cơ chế trong tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, cũng như sức mua của người dân suy giảm kể từ sau đại dịch Covid-19.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, thời gian tới, trước mắt là từ nay đến cuối năm, UBND TP Hà Nội tiếp tục tổ chức định kỳ các hội nghị đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để lắng nghe, trao đổi và đưa ra các giải pháp phù hợp với từng loại hình kinh doanh. UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chính sách của Trung ương về miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu; tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh ký kết các hợp đồng xuất khẩu; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 4-5%.

Bên cạnh đó, chính quyền Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa; tăng cường tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực.

THÙY TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-cho-cong-dong-doanh-nghiep-790046