Gỡ khó cho công tác giám định tư pháp
Giám định tư pháp là một trong những khâu quan trọng trong hoạt động tố tụng nhằm phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và giải quyết các vụ tranh chấp dân sự, vụ việc hành chính.
Kết quả giám định tư pháp là cơ sở để hoạt động điều tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian vừa qua công tác giám định tư pháp còn có nhiều khó khăn, bất cập.
* Vẫn còn những bất cập
Theo quy định, trong các vụ án hình sự, khi có kết quả giám định tư pháp thì cơ quan điều tra mới có căn cứ để khởi tố điều tra. Trong đó có rất nhiều lĩnh vực phải có giám định như: giám định pháp y; tài chính, ngân hàng; giám định dấu vết, mẫu vật; giám định pháp y, pháp y tâm thần; giám định vũ khí, vật liệu nổ; giám định ma túy…
Một cán bộ điều tra Công an TP.Biên Hòa cho biết, đối với tội phạm hình sự có rất nhiều lĩnh vực, vụ án phải nhờ đến kết quả giám định. Nếu công tác giám định không thực hiện một cách kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, truy bắt tội phạm. Cụ thể như trong những vụ ẩu đả, cố ý gây thương tích, sau khi các đối tượng gây án, cơ quan điều tra chưa thể khởi tố bị can ngay mà phải chờ kết quả giám định pháp y để xác định thương tích của nạn nhân.
Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Lê Ngọc Minh cho biết, qua rà soát, tham khảo các cơ quan tư pháp cho thấy công tác giám định tư pháp đã và đang là một trong những vướng mắc của hoạt động tố tụng. Trong thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ họp các cơ quan liên quan để nắm lại những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan liên quan tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn này.
Tuy nhiên, để thực hiện công tác giám định, thường phải chờ vết thương của nạn nhân ổn định. Sau đó nơi điều trị cho nạn nhân sẽ cung cấp cho cơ quan điều tra giấy chứng nhận thương tích kèm theo hồ sơ bệnh án. Cùng với các loại hồ sơ, giấy tờ trên, cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định để hội đồng giám định căn cứ đưa ra kết quả. Đối với những trường hợp phức tạp ngoài các loại hồ sơ, giấy tờ trên thì nạn nhân sẽ phải thực hiện lại các xét nghiệm liên quan để hội đồng giám định có thêm căn cứ.
Do phải qua rất nhiều khâu nên để có kết quả giám định phải kéo dài trong nhiều ngày. Trong khi đó, sau các vụ cố ý gây thương tích, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân thường gây áp lực cho cơ quan điều tra vì cho rằng giải quyết vụ việc chậm trễ.
Không chỉ có các vụ án cố ý gây thương tích, một số vụ gây rối trật tự công cộng, vụ hỗn chiến gây hoang mang dư luận cũng thường tạo những áp lực không nhỏ cho cơ quan điều tra khi điều tra vụ án. Để xử lý được các vụ việc này cơ quan điều tra phải chờ có kết quả giám định về các loại vũ khí, hung khí nguy hiểm mà đối tượng dùng để gây án. Trong khi đó, để giám định được các loại vũ khí, hung khí này phải gửi đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) mới đủ chức năng để thực hiện nên không thể nhanh chóng giải quyết ngay vụ việc mà phải chờ kết quả giám định tư pháp theo quy định.
* Thiếu giám định viên tư pháp
Một trong những khó khăn trong công tác giám định tư pháp chính là công tác giám định về tài chính. Ông Trần Quốc Trung, cán bộ Sở Tài chính, giám định viên tư pháp lĩnh vực tài chính của tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có 3 cán bộ được bổ nhiệm là giám định viên tư pháp trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, những cán bộ này đều là kiêm nhiệm nên không thể dành hết thời gian cho công tác giám định.
Theo ông Trung, một trong những khó khăn lớn trong công tác giám định tư pháp trên lĩnh vực tài chính là nhân lực còn quá ít. Trong khi lượng án phải trưng cầu giám định hằng năm rất lớn nên giám định viên không thể đáp ứng, giải quyết hết được yêu cầu từ các cơ quan trưng cầu. Trong khi đó có rất nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động tài chính, ngân hàng cần phải có nhiều thời gian thì giám định viên mới đưa ra kết luận về mức độ thiệt hại.
Ông Trung phân tích, để có được một kết luận giám định về tài chính, giám định viên đều phải dựa vào hồ sơ, tài liệu từ cơ quan công an thu thập. Trong khi đó trong một số vụ án, công tác thu thập tài liệu, hồ sơ không được thực hiện đầy đủ, kịp thời nên giám định viên không thể nhanh chóng đưa ra kết luận khiến vụ việc kéo dài.
* Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, bất cập
Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh Phan Văn Hậu cho biết, công tác giám định nói chung đang là một trong những vấn đề mà các cơ quan tố tụng đặc biệt quan tâm.
Theo ông Hậu, trên một số lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, thuế, môi trường, xây dựng, văn hóa, pháp y… còn thiếu đội ngũ giám định viên tư pháp. Thực tế này đã gây không ít khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Trong đó khó khăn lớn nhất là chậm có kết quả giám định dẫn đến tiến độ điều tra án cũng bị ảnh hưởng. Một số vụ án phải tạm đình chỉ điều tra để chờ kết luận từ công tác giám định.
Trước những khó khăn nêu trên, ông Hậu kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, lập danh sách bổ nhiệm thêm giám định viên tư pháp trên các lĩnh vực. Trong đó đặc biệt là lĩnh vực giám định về tài chính, ngân hàng… Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành cũng phải nghiên cứu quy định về thời gian ban hành kết luật giám định để đảm bảo công tác điều tra.
Cũng nêu ý kiến gỡ khó cho vấn đề này, ông Trần Quốc Trung cho biết, Luật Giám định tư pháp cho phép xã hội hóa công tác giám định trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng nên địa phương cần phải đẩy mạnh phát triển theo hướng này để giảm tải cho công tác giám định.