Gỡ khó cho công tác tu bổ di tích
Các huyện Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mỹ Ðức… có điều kiện kinh tế khó khăn hơn khu vực nội thành và các vùng ven đô, trong khi đó nhiều di tích đang bị xuống cấp. Việc tu bổ mỗi di tích tiêu tốn hàng tỷ đồng, khiến cho công tác tu bổ tại khu vực này càng thêm khó khăn.
Đến chùa Báo Ân (xã Ðồng Quang, huyện Quốc Oai), nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một… phế tích hoang tàn. Tượng Phật, tượng thánh vốn là “linh hồn” của ngôi chùa, nay phần lớn bị bong tróc, nứt vỡ. Thậm chí, có pho tượng bằng đất thó đã sụp đổ hoàn toàn, có pho tượng thì bị mất đầu. Mái chùa đã hư hỏng nặng từ lâu. Hễ mưa xuống là nước đổ ào ào vào các pho tượng. Nhà chùa phải đội mũ, mặc áo mưa cho tượng, nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào. Cùng với đó, những bức tường loang lổ, nứt vỡ, nhiều khu vực có nguy cơ sập đổ. Chùa Báo Ân được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Ngôi chùa có lịch sử 300 năm. Trước khi bị xuống cấp, chùa có nhiều tượng, mảng chạm, có giá trị nghệ thuật cao. Ðáng ra, chùa phải được tu bổ từ lâu. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, cho nên cuối năm 2018, UBND thành phố Hà Nội mới cấp 800 triệu đồng để tu bổ cấp thiết các hạng mục: mái, tường, hoành rui và một số bộ phận của tam bảo. Việc chậm trễ thi công khiến chùa càng hư hỏng nặng. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán cho biết: “Quốc Oai có hơn 220 di tích các loại, trong đó hai di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia. Hiện, gần 10 di tích đang trong tình cảnh sắp thành phế tích như chùa Báo Ân”.
Ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố Hà Nội vừa giám sát tại Sở Văn hóa và Thể thao và một số quận, huyện về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục - thể thao. Thực tế quá trình giám sát cho thấy, Hà Nội đang sở hữu “kho vàng” về di tích, với 5.922 di tích các loại. Nhưng trong đó, 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Ðáng chú ý, phần lớn di tích xuống cấp nghiêm trọng nằm ở khu vực ngoại thành - địa bàn luôn gặp khó khăn về ngân sách cho công tác tu bổ lẫn huy động vốn xã hội hóa, điển hình là các huyện: Ba Vì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mỹ Ðức… Từ năm 2016 đến 2018, huyện Ba Vì chỉ huy động được 1,5 tỷ đồng, huyện Mỹ Ðức chỉ huy động được 1,2 tỷ đồng vốn xã hội hóa cho tu bổ di tích. Ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố đã giám sát về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục - thể thao tại huyện Phú Xuyên và trực tiếp khảo sát hiện trạng của đình Nam Phú (xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên). Phần mái đình thủng lỗ chỗ khắp nơi. Có góc mái đã sụt. Các cây cột gỗ đều mục nát nghiêm trọng. Người dân phải hết sức hạn chế vào đình. Hễ có mưa to gió lớn là những người cao tuổi đều lo lắng. Phú Xuyên là một trong những huyện nghèo của Hà Nội, nhưng lại giàu về di tích, với 345 di tích các loại, trong đó 38 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia. Cùng với thời gian, nhiều di tích đã xuống cấp. Bởi vậy, ba năm qua, huyện mới tu bổ cấp thiết cho 14 di tích, với kinh phí hơn chín tỷ đồng. Chín di tích vẫn có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào.
Theo phân cấp quản lý hiện nay, ngoài một số di tích quan trọng do thành phố quản lý như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò…, phần lớn di tích cần tu bổ thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện. Thực tế cho thấy, việc tu bổ di tích sẽ vẫn còn gặp khó, nhất là tại các huyện ngoại thành. Nhiều huyện vẫn xin thành phố hỗ trợ ngân sách. Tuy nhiên, nguồn lực của thành phố có hạn, trong khi đó số lượng di tích là rất lớn. Tại cuộc làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố Hà Nội với Sở Văn hóa và Thể thao cùng đại diện một số quận, huyện mới đây, nhiều đại biểu đã đề nghị, các huyện cần quan tâm hơn trong bố trí nguồn lực đầu tư, đồng thời, nhấn mạnh vào giải pháp xã hội hóa. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Ðộng, bên cạnh vận động doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về giá trị di tích, để từ đó, người dân có hành động thiết thực bảo vệ. Ðồng thời, cần có hình thức khen thưởng xứng đáng những tập thể, cá nhân có đóng góp bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40494702-go-kho-cho-cong-tac-tu-bo-di-tich.html