Gỡ khó cho dân trồng dược liệu dưới tán rừng
Việc cho phép trồng dược liệu dưới tán rừng giúp người dân tăng thu nhập và tự ý thức trong bảo vệ rừng như bảo vệ 'miếng cơm, manh áo' của mình.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có chỉ đạo các đơn vị chức năng, trong đó Cục Lâm nghiệp xây dựng đề án trồng dược liệu dưới tán rừng.
Ông Thiện cho rằng, về thực tiễn, việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng có thể làm được.
Khi người dân có lợi ích kinh tế từ trồng dược liệu sẽ giảm tình trạng phá rừng. Thậm chí người dân chủ động trong việc bảo vệ rừng như bảo vệ "miếng cơm, manh áo" của mình.
Cũng theo ông Thiện, việc này đòi hỏi phải có những quy định minh bạch, cụ thể. Từ đó, người dân nhìn vào làm được, cán bộ nhìn vào có thể xử lý nếu vi phạm.
"Hiện nay có hàng trăm loại dược liệu. Cây quế cũng là dược liệu. Nhưng không thể để chặt thông đi để trồng quế.
Cần quy định rõ ràng về cách ứng xử với thiên nhiên. Quy định rõ loại dược liệu nào được trồng. Những dải đất trồng nào phù hợp... Không phải cạo thật sạch để trồng được liệu", ông Thiện chia sẻ.
Trước đó, Báo Giao thông có đăng bài viết "Người Dao Ba Vì kiếm tiền tỷ nhờ cây thuốc Nam".
Chục năm trở lại đây, nhờ thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ nông nghiệp đơn thuần sang trồng cây thuốc Nam, người Dao Ba Vì đã đổi đời.ĐỌC NGAY
Bài viết phản ánh vai trò của cây thuốc Nam đối với đời sống người Dao Ba Vì (Hà Nội).
Hiện nay, người Dao Ba Vì gặp khó khăn do dư địa trồng thuốc không nhiều.
Đặc biệt là việc cấm trồng, hái thuốc trong Vườn Quốc gia Ba Vì.
Anh Lý Sinh Trình (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, thuốc Nam rất đa dạng, phong phú.
Mỗi loại cây phù hợp ở các tầng thổ nhưỡng khác nhau. Có những cây thuốc ngắn ngày và sống dưới cốt cao độ 100 (độ cao 100m so với mực nước biển).
Nhưng có những cây lại phù hợp sống dưới tán rừng ở độ cao từ cốt 100 trở lên. Tỷ lệ cây thuốc sống độ cao đó chiếm 80% nguồn nguyên liệu.
"Từ ngày Vườn Quốc gia Ba Vì (năm 2008) từ cốt cao độ 100 trở lên giao về Bộ NN&PTNT quản lý, người dân không được vào khai thác", anh Trình cho hay.