Gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK quý I giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 79,17 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng chủ lực như thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và sản phẩm điện tử, sắt thép các loại, hóa chất... đều giảm mạnh.
Các thị trường XK lớn cũng tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm như: Trung Quốc giảm 5,7%, Nhật Bản giảm 0,5%, Asean giảm 0,4%, EU giảm 6,5%, Liên bang Nga giảm 59,4%, Hoa Kỳ giảm 21,2%, Canada giảm 17,3%... Trước tình hình đó, ngày 25/4 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh XK”.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 3 tháng đầu năm XK thủy sản giảm 27,5% so cùng kỳ, giảm tương đương giai đoạn dịch COVID -19 bùng phát nặng nhất. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại các nước giảm đáng kể. Nhiều khách hàng đã ký hợp đồng nhưng không nhận hàng, khiến lượng hàng tồn kho của DN nhiều. Công suất kho lạnh không chịu được thêm hàng nữa nên hàng hóa của nông ngư dân bị đình trệ.
Việc XK giảm đã khiến dòng tiền về cũng bị chậm lại. Khi đến quý 3 tình hình phục hồi, thì nguồn nguyên liệu trong nước sẽ không còn nữa. Đáng lo nữa là dòng tiền chậm về, trong khi rất nhiều nguồn vay ngân hàng đến hạn phải trả, DN không đủ tiền thu mua nguyên liệu. Còn về lãi suất vay ngân hàng cũng là vấn đề khiến các DN đau đầu. Bởi, các DN XK chủ yếu vay USD, trước đây lãi vay USD lãi dưới 3%, khoảng 2,1-2,5% thì hiện nay đã lên đến trên 4%.
Ông Nam kiến nghị, cần giảm lãi suất vay USD mới giải quyết được khâu nghẽn của dòng tiền. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để giúp thu mua nguyên liệu cho nông ngư dân, kích thích tâm lý, duy trì sản xuất. Đây là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết. Ngoài ra, DN cần ngân hàng giãn nợ từ 3-6 tháng; Giảm thuế NK khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản; Thúc đẩy hoàn thuế GTGT đối với hàng XK, bởi ngành hàng thủy sản 90% là XK.
Với ngành hàng gạo, XK quý 1/2023 XK đạt 1,855 triệu tấn, trị giá 981,392 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 23,41% về số lượng và tăng 34,27% về trị giá. Mặc dù XK gạo trong những tháng đầu năm tăng về số lượng và giá trị, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả XK mang lại đối với ngành lúa gạo chưa tương xứng. Ông Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, các DN trong ngành chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo. Vì vậy, vốn tín dụng hiện đang là vấn đề khó khăn nhất của DN, rất mong Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo.
Tương tự, ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) kiến nghị, trong ngắn hạn cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường XK thông qua Tham tán thương mại. Ngoài ra, đề xuất có gói vay lãi suất ưu đãi 0% để giúp DN giảm áp lực tài chính trả lương và giữ chân người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Về trung, dài hạn, DN cần được hỗ trợ trong việc thực hiện các dự án “xanh hóa” như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hóa chất, ... chuyển đổi số, trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Tại hội nghị, các Hiệp hội ngành hàng cho rằng, sự sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho hoạt động XK của Việt Nam trong năm 2023. Giá nhiên liệu đầu, năng lượng và logistics toàn cầu vẫn tăng cao đã tác động đến chi phí sản xuất của DN. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát ở nhiều nước trên thế giới còn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt chưa nới lỏng, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu NK giảm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với hàng XK của Việt Nam. Trong nước, DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, thuế NK nguyên liệu cao, hoàn thuế GTGT của DN chậm giải quyết…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết. thời gian tới, DN, Hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường để tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chú trọng phát triển các thị trường ngách để bù đắp phần sụt giảm đơn đặt hàng; đẩy mạnh hoạt động XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tích cực tham dự các Hội nghị giao ban XTTM định kỳ hàng tháng với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường cũng các quy, định chính mới của các thị trường ngoài nước, làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch phù hợp nhằm tận dụng tối đa các FTA mà nước ta đã ký kết.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/go-kho-cho-doanh-nghiep-san-xuat-xuat-khau-i691393/