Gỡ khó cho dự án trọng điểm vùng thủ đô

Dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô sẽ được khởi công vào tháng 6-2023 và đưa vào khai thác từ năm 2027

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô, vừa khảo sát thực địa và làm việc với 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về tình hình thực hiện dự án, trong đó trọng tâm là tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB).

Kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng

Dự án Vành đai 4 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 56/2022. Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đi qua TP Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên với tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng; riêng đoạn thuộc địa bàn Hà Nội dài 58,2 km, đi qua 7 quận - huyện.

Nêu một số khó khăn mà địa phương đang gặp phải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị sớm tổ chức họp Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện dự án Vành đai 4 để tổng hợp các vấn đề vướng mắc báo cáo Thủ tướng; có chỉ đạo thống nhất để địa phương làm căn cứ phê duyệt các dự án thành phần; làm việc với các tỉnh, thành trong vùng để cấp phép ngay việc khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án... Bắc Ninh là sẽ nỗ lực tối đa tháo gỡ những khó khăn để thực hiện dự án đạt kết quả cao nhất.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa vị trí dự án Vành đai 4 - vùng thủ đô .Ảnh: HỮU HƯNG

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa vị trí dự án Vành đai 4 - vùng thủ đô .Ảnh: HỮU HƯNG

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết dù đang gặp vướng mắc về việc ứng vốn GPMB nhưng qua làm việc với đoàn công tác, tỉnh đã rõ hướng giải quyết. Sắp tới đây, Hưng Yên sẽ triển khai theo thẩm quyền; trước mắt sẽ ứng tiền ngay để di dời mồ mả trước dịp 23 tháng chạp âm lịch. Hưng Yên cũng sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang, xây dựng khu tái định cư phục vụ việc GPMB; đồng thời thống nhất các nội dung với TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh để kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ những khó khăn trong triển khai dự án. Hưng Yên quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ dự án, bảo đảm đến tháng 6-2023 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết nhiệm vụ đặt ra phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhất là việc GPMB, tái định cư, bảo đảm tiến độ - trước hết là di dời mồ mả, theo phong tục cổ truyền thường phải trước ngày 23 tháng chạp. Trong khi đó, nguồn vốn trung ương dành cho GPMB chưa được cấp, nếu cần thiết phải thực hiện cơ chế tạm ứng.

Để khắc phục những khó khăn đang gặp phải, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai dự án Vành đai 4 nhất trí với ý kiến của lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, giao cho các cơ quan chuyên môn 3 địa phương tổng hợp báo cáo để kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết. Trong quá trình đó, 3 tỉnh, thành nỗ lực tháo gỡ vướng mắc; vận dụng giải pháp tạm ứng ngân sách bảo đảm đúng quy định pháp luật, giúp đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Thiết lập quy trình hành chính riêng

Theo ông Đinh Tiến Dũng, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc song TP Hà Nội đã chủ động đề ra các biện pháp tháo gỡ. Các phần việc liên quan GPMB đã và đang được triển khai đồng bộ từ thành phố xuống các quận - huyện. Tuy nhiên, khối lượng GPMB dự án Vành đai 4 rất lớn, trong đó nhiều phần việc khó khăn vẫn còn ở phía trước, như: di dời mồ mả, trụ sở cơ quan, trường học, công trình điện...

"Thực hiện dự án, Ban Chỉ đạo xác định GPMB, tái định cư là khâu "trọng điểm của trọng điểm", phải đi trước. Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND TP Hà Nội phải tiên lượng các vấn đề có thể phát sinh, còn khó khăn, vướng mắc để đề ra chính sách phù hợp, cần thiết; nhanh chóng có hướng dẫn bổ sung, thống nhất từ trên xuống dưới, bảo đảm thông suốt, thuận lợi cho các quận - huyện thực hiện việc đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư. Nhiệm vụ GPMB ưu tiên trước hết là phần đường Vành đai 4…" - ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định việc triển khai dự án Vành đai 4 được lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Chưa có dự án nào có sự ký kết thực hiện giữa Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy của 3 địa phương và có chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt từ lãnh đạo các tỉnh, thành đến sở - ngành, quận - huyện, chính quyền cơ sở như dự án này.

"Dự án Vành đai 4 được thiết lập một quy trình hành chính riêng. Tất cả thủ tục liên quan dự án tuyến đường này đều thuộc "hạng VIP", ưu tiên số 1, thông suốt từ cấp thành phố, sở - ngành đến quận - huyện và cơ sở. Khó khăn của các quận - huyện cũng sẽ được tháo gỡ nhanh và kịp thời nhất" - ông Trần Sỹ Thanh quả quyết.

Không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, thất thoát tài sản

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết đã yêu cầu các đơn vị tăng sự chủ động trong quá trình triển khai những nhiệm vụ được giao, phấn đấu bàn giao đúng tiến độ "pháp lệnh" là 70% mặt bằng ở từng quận - huyện trước ngày 30-6-2023; cơ bản bàn giao phần mặt bằng còn lại trên địa bàn trước ngày 31-12-2023.

Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình đối với các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, gây thất thoát tài sản nhà nước; bảo đảm tiến độ - cơ bản hoàn thành dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ha-noi/go-kho-cho-du-an-trong-diem-vung-thu-do-20221201201021013.htm