Gỡ khó cho giáo viên dạy Âm nhạc lớp 1
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên các trường tiểu học trên toàn quốc triển khai dạy học môn Âm nhạc lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018. Hãy cùng các giáo viên tìm giải pháp gỡ khó khi giảng dạy môn học này.
Dạy hát sao cho hiệu quả
Trao đổi về vấn đề này, cô Trần Thị Kim Oanh, nguyên là giáo viên nhạc họa của Trường THCS Nguyễn Khuyến (Hà Nam) chia sẻ: Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển về thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ, thể chất của học sinh (HS) tiểu học. Các tiết học đều có hoạt động ca hát. Dạy hát rất quen thuộc với giáo viên (GV), nhưng dạy các em học sinh lớp 1 thầy cô cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, bước đọc lời ca, GV cần đọc mẫu từng câu ngắn để HS đọc theo, vì các em chưa tự đọc được và giải thích ý nghĩa một số từ ngữ “khó” giúp HS hiểu nội dung bài hát.
Thứ hai, khi tập hát từng câu, GV cần kết hợp giữa việc hát mẫu và đàn giai điệu. Việc nghe hát mẫu sẽ giúp HS nhận biết được cách phát âm, cách lấy hơi và sự biểu cảm phù hợp, còn việc nghe đàn giai điệu sẽ hỗ trợ HS hát đúng nhạc. Những bài dân ca có nhiều tiếng hát luyến láy thì GV nên hát mẫu nhiều hơn.
Trong tiết nhạc, giáo viên luyện tập theo từng câu hát ngắn để phù hợp với hơi thở, và hướng dẫn các em biết cách lấy hơi, không để HS hát quá nhiều lần mà cho các nhóm tập luân phiên. GV không nên đưa bản nhạc vào giáo án điện tử bởi các em chưa có khả năng quan sát nốt nhạc, chỉ đưa riêng lời ca vào giáo án điện tử là thích hợp.
Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề, anh Lê Tuấn (Viện KHGD Việt Nam) cho biết: “Dạy nhạc cụ âm nhạc của các thầy cô giáo trên lớp sẽ giúp cho các em HS được luyện tập về nhịp điệu. Tuy nhiên với HS lớp 1, chỉ cần hướng dẫn cách sử dụng một số nhạc cụ gõ đơn giản, học cách chơi body percussion và ứng dụng đệm cho bài hát đã học”.
GV cần hướng dẫn HS chơi nhạc cụ đúng tư thế và đúng cách. Ví dụ dùng trống nhỏ, HS sẽ cầm quai trống bằng tay trái, cầm dùi và gõ bằng tay phải. Cách cầm và gõ trai-en-gô cũng tương tự. Dùng tem-bơ-rin thì cầm bằng tay trái, vỗ vào mặt trống bằng bàn tay phải. Nhưng nếu HS chơi song loan thì chỉ sử dụng bằng tay phải.
GV cần hướng dẫn HS chơi body percussion, là cách sử dụng cơ thể như một loại nhạc cụ tạo ra tiết tấu. Nên hướng dẫn HS lớp 1 tập ba động tác đơn giản là: Vỗ tay, vỗ tay xuống đùi, giậm chân. Đây là biện pháp hiệu quả để giáo viên nhạc tạo hứng thú, rèn luyện và nâng cao kĩ năng nhịp điệu cho HS khi đến với âm nhạc. GV cần đưa ra chỉ dẫn rõ ràng, súc tích. Việc này sẽ tiết kiệm được thời gian và tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm. GV không cần dài dòng, có thể đưa ra những mẫu hoạt động cơ bản để cho HS nắm được yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất.
Hướng dẫn HS biết cách đọc nhạc
Để tiết học đạt hiệu quả cao, GV cần dành khoảng 2/3 thời gian để hướng dẫn HS luyện tập tiết tấu bằng nhạc cụ gõ và chơi body percussion. Sau đó, dành khoảng 1/3 thời gian còn lại để ứng dụng đệm cho bài hát với nhịp độ không quá nhanh hoặc quá chậm, mà phải tương ứng với nhịp độ của bài hát. GV hướng dẫn HS chơi nhạc cụ đệm như mở nhạc bài hát để HS đệm theo; GV hát để HS đệm; tổ 1 hát còn tổ 2 đệm; HS vừa hát vừa tự đệm nhạc cụ,...
Trong quá trình dạy âm nhạc cho HS lớp 1, việc hướng dẫn các em nghe nhạc sẽ giúp HS nâng cao năng lực cảm thụ âm nhạc tốt hơn. Tuy nhiên để việc nghe và cảm thụ âm nhạc của HS đạt được hiệu quả cao thì GV cần chú ý một số vấn đề sau:
Trước hết, GV nên chọn bản nhạc với độ dài khoảng 2-3 phút, nên cho HS nghe nhạc bằng hình thức xem video khoảng 2-3 lần, kết hợp với hoạt động khác như: Trả lời câu hỏi ngắn, chơi trò chơi, vận động, nhảy múa, dùng nhạc cụ gõ đệm theo bản nhạc...vv.
Đặc thù của môn Âm nhạc là GV hướng dẫn HS cách đọc nhạc sẽ giúp các em làm quen với các nốt nhạc và cao độ của chúng. Song, GV nên hướng dẫn HS tập đọc những nét nhạc đơn giản, ví dụ học kì I đọc 2-3 nốt, học kì II có thể đọc 4-5 nốt nhạc. Theo kinh nghiệm của nhiều thày cô, GV nên bắt đầu luyện tập cho HS từ quãng dễ đọc (Mi-Son), và đặc biệt là nên vận dụng phương pháp đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay.
Việc đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay (tiếng Anh: reading music with hand signs) là phương pháp đọc nhạc mà các nốt nhạc được kí hiệu bằng các tư thế khác nhau của bàn tay, nhằm “đơn giản hóa” việc đọc nhạc cho mọi đối tượng. Phương pháp này rất hiệu quả đối với những người mới làm quen việc đọc nhạc.
“Đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay vui hơn, dễ hơn so với đọc nhạc theo kí hiệu ghi nhạc, bởi HS được đọc nhạc kết hợp vận động cơ thể, tư thế thoải mái hơn; HS được trợ giúp về mặt trực quan, dễ cảm nhận tương quan về cao độ, ví dụ khi HS đọc nốt Son thì bàn tay đưa lên cao hơn so với nốt Mi; HS được đọc nhạc như trò chơi; HS có thể sáng tạo bài đọc nhạc, ví dụ một bạn xung phong lên bảng làm kí hiệu để cả lớp đọc nhạc (có sự hướng dẫn, hỗ trợ của GV); HS không bị quá tải về nội dung, do GV được chủ động lựa chọn bài tập phù hợp”, ông Lê Tuấn cho biết thêm.