Gỡ khó cho hoạt động giám định tư pháp
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn không ít vụ án chậm xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không được thu hồi. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giám định tư pháp còn nhiều hạn chế. Đây là tồn tại mà đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) đã chỉ ra khi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực tế cho thấy, công tác giám định tư pháp nói chung, giám định tư pháp đối với các vụ án tham nhũng nói riêng đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Theo báo cáo thống kê của các bộ, ngành và địa phương, từ năm 2020 đến hết năm 2022, các tổ chức giám định tư pháp, người giám định tư pháp trong cả nước đã thực hiện 538.638 vụ việc, trong đó: ở Trung ương là 69.867 vụ việc và địa phương là 468.771 vụ việc.
Bên cạnh đó, công tác giám định tư pháp cũng còn một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể, một số quy định pháp luật về giám định tư pháp còn bất cập; đội ngũ người làm giám định tư pháp tại một số lĩnh vực, địa phương chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan nhiều lúc chưa tốt; nội dung trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng ở một số trường hợp còn chưa rõ; việc thực hiện yêu cầu giám định trong một số vụ việc còn chậm, chưa sát.
Trong tố tụng hình sự, công tác giám định tư pháp có ý nghĩa quan trọng, là một trong những căn cứ để làm rõ có tội hay không có tội. Tuy vậy, trên thực tế khi giải quyết một số vụ án, thời gian bị kéo dài có nguyên nhân từ việc phải “chờ” kết quả giám định.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong công tác giám định tư pháp. Đó là còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, thời hạn giám định chưa hợp lý; chất lượng giám định chưa cao, xã hội hóa trong công tác giám định chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó là nhân lực và chế độ chính sách đối với đội ngũ làm công tác giám định cũng là một "điểm nghẽn" cần phải giải quyết. Thực tế cho thấy, công tác giám định tư pháp rất vất vả và độc hại nhưng kinh phí chi cho cán bộ giám định viên lại chưa tương xứng, thời gian làm việc 8 tiếng nhưng chỉ được 180.000 đồng/người. Điều đáng nói là, chế độ này dành cho giám định viên từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được cải thiện. Khi chế độ, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn, sẽ rất khó để thu hút những người làm công tác giám định.
Để thực hiện tốt hơn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, trong đó có vụ việc tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, tiến độ công tác giám định tư pháp. Muốn vậy, cần rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, nhất là yêu cầu giám định tư pháp trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế.
Cùng với đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp. Trong đó, xử lý mạnh tay đối với những cá nhân, cơ quan cố tình kéo dài thời gian giám định làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết các vụ án. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển lĩnh vực giám định tư pháp. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp rất cần sửa đổi các quy định để bảo đảm chế độ, chính sách đủ để thu hút và “giữ chân” đối với giám định viên tư pháp - những người làm nghề được đánh giá là khá vất vả, đòi hỏi chuyên môn cao nhưng thu nhập lại chưa tương xứng.