Gỡ khó cho hoạt động giám định tư pháp
Thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) trên địa bàn Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, công tác này hiện gặp những khó khăn, hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Tư pháp vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra hoạt động GĐTP tại Sở NN-PTNT, Trung tâm Pháp y Đồng Nai và Cục Thuế Đồng Nai nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoạt động GĐTP ngày càng nâng cao hiệu quả.
* Quan tâm đến hoạt động GĐTP
Tại các buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị đã chia sẻ về nội dung quan tâm trong việc triển khai thực hiện công tác GĐTP trong thời gian qua.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết, hiện Sở có 17 công chức được bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Đa số vụ việc thực hiện GĐTP trong thời gian qua đều thuộc về lĩnh vực lâm nghiệp. Do đó, Sở chuyển cho Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thành lập tổ GĐTP nghiên cứu các nội dung trưng cầu và giao cho giám định viên phụ trách chuyên môn phối hợp với các thành viên có liên quan để thực hiện công tác giám định.
Tính đến nay, các vụ việc trưng cầu giám định đều được tổ GĐTP thực hiện theo đúng thời gian quy định và đảm bảo chất lượng các nội dung đã kết luận giám định. Sở đã thực hiện giám định xong 9 vụ việc thuộc lĩnh vực lâm nghiệp trong năm 2022 (đạt tỷ lệ 100%) và giám định 6 vụ việc trong 6 tháng đầu năm 2023 (trong đó có 1 vụ việc đang trong quá trình giám định, đạt tỷ lệ 83,33%).
Đoàn kiểm tra của Sở Tư pháp ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các sở, ngành liên quan đến trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, tập huấn nghiệp vụ GĐTP… và sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.
Phó giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai Nguyễn Gió cho hay, trung tâm hiện có 19 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 4 giám định viên. Đội ngũ giám định viên tư pháp ít nhưng chất lượng giám định luôn được nâng cao. Giám định viên được bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, phổ cập kiến thức pháp luật và không ngừng cập nhật kiến thức y học mới vận dụng tốt vào ngành pháp y. Nhờ đó, công tác GĐTP thực hiện theo đúng các bước quy định và đúng quy trình chuyên môn.
Cụ thể, Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã thực hiện hơn 2,7 ngàn trường hợp giám định trong năm 2022 (đạt 191,31% chỉ tiêu đề ra) và hơn 1,3 ngàn trường hợp giám định trong 6 tháng đầu năm 2023 (đạt 94,62%).
Theo Cục Thuế Đồng Nai, hiện đơn vị có 15 giám định viên và luôn tạo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trao đổi chuyên môn và công việc để giám định viên thực hiện tốt công tác GĐTP. Từ đầu năm 2022 đến tháng 6-2023, đơn vị đã tiếp nhận và phân công giám định viên thực hiện 30 quyết định trưng cầu giám định của cơ quan công an (đạt tỷ lệ 100%).
* Cần kiện toàn đội ngũ giám định viên
Bên cạnh kết quả đạt được, Sở NN-PTNT, Trung tâm Pháp y Đồng Nai và Cục Thuế Đồng Nai hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động GĐTP.
Giám định viên tư pháp Sở NN-PTNT Nguyễn Hồng Tâm cho biết, các giám định viên của Sở vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa thực hiện công tác GĐTP. Hiện đội ngũ giám định viên chưa được bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực nghiệp vụ. Đa phần giám định viên mới được bổ nhiệm còn ít kinh nghiệm trong việc giám định các vụ việc có tính chất phức tạp hoặc vụ việc mới phát sinh chưa từng giám định nên quá trình giám định còn lúng túng về phương pháp thực hiện.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho hay, hầu hết các giám định viên của Sở đều kiêm nhiệm và được phân bổ công tác tại các đơn vị trực thuộc chứ không tập trung. Mỗi khi Sở có vấn đề liên quan đến giám định thì việc triệu tập các giám định viên rất khó khăn, vì họ còn phải đảm bảo công việc chuyên môn.
“Các giám định viên phải vào trong rừng sâu để làm nhiều công việc vất vả, từ bảo vệ hiện trường cho đến GĐTP… Họ phải làm việc trong điều kiện người dân vây quanh tạo áp lực, nguy hiểm, nhưng kinh phí để chi trả cho mỗi giám định viên chỉ 150 ngàn đồng/ngày là chưa phù hợp” - ông Lê Văn Gọi chia sẻ.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai Nguyễn Gió, đơn vị đã đi vào hoạt động được 18 năm nhưng chưa có trụ sở làm việc riêng (hiện vẫn làm việc tạm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai). Nguồn lực cơ sở vật chất, máy móc thiết bị chưa đảm bảo, chưa đáp ứng cho tổ chức hoạt động. Đội ngũ nhân lực ít, trong khi phải làm việc với cường độ cao, khối lượng công việc nhiều.
Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Đậu Đức Anh cho rằng, về nguyên tắc thực hiện GĐTP, chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu trưng cầu giám định và cơ quan trưng cầu giám định không được yêu cầu ngoài phạm vi chuyên môn giám định cũng như những vấn đề về pháp lý. Tuy nhiên, thực tế ranh giới giữa “chuyên môn” và “pháp lý” vẫn chưa thực sự rõ ràng, các quyết định trưng cầu vẫn yêu cầu giám định viên xác định tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về thuế hay không, có trốn thuế hay không, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm... Điều này đã gây khó khăn cho giám định viên tư pháp.
Trưởng phòng Hành chính và bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) Trần Trung Nhân (thành viên đoàn kiểm tra) giải thích, đối với những vụ việc có nội dung trưng cầu giám định chưa rõ ràng thì giám định viên phải chủ động trao đổi, thảo luận với các đơn vị liên quan để xác định lại nội dung cụ thể. Còn với những vụ việc có nội dung yêu cầu giám định vượt quá khả năng nghiệp vụ chuyên môn thì giám định viên có quyền từ chối (theo Luật Giám định tư pháp năm 2012). Bởi giám định viên là người làm việc bằng khả năng chuyên môn để phục vụ cho hoạt động tố tụng chứ không phải làm thay cơ quan điều tra về xác định có hay không có phạm tội, mức độ phạm tội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn nhấn mạnh, để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ giám định trong thời gian tới, lãnh đạo Sở NN-PTNT, Trung tâm Pháp y Đồng Nai và Cục Thuế Đồng Nai tiếp tục quan tâm kiện toàn đội ngũ giám định viên trong lĩnh vực phụ trách; tạo điều kiện cũng như theo dõi tiến độ giám định của giám định viên để có sự chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; cần sáng tạo, đổi mới phương pháp, cách làm trong quá trình trao đổi thông tin tài liệu với cơ quan trưng cầu giám định để đạt hiệu quả giám định cao nhất, đảm bảo thời gian và chất lượng của kết luận giám định.