'Gỡ khó' cho kinh tế tập thể, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm
Nhiều kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức đã được bàn thảo tại Diễn đàn HTX quốc gia năm 2024 với chủ đề 'Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm', ngày 11/4 tại Hà Nội.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu quan điểm chỉ đạo: Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố, phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái khẳng định, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, với nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn đối với cộng đồng HTX.
Đảng và Nhà nước ta đã đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đối với sự phát triển của đất nước. KH&CN được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các HTX.
Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên; bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Hưởng lợi nhờ sản xuất theo chuỗi
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã, xác nhận, khi tham gia vào chuỗi liên kết, bà con nông dân rất yên tâm vì được lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, việc làm, thu nhập của bà con luôn được bảo đảm và cải thiện.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan (Bắc Kạn) cho biết, việc xây dựng các chuỗi giá trị giúp kết nối từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ, rút ngắn khoảng cách giữa nhà tiêu thụ và nhà sản xuất; gia tăng giá trị sản phẩm…Nhờ phát triển theo chuỗi giá trị, với 35 thành viên và hơn 2.000 thành viên liên kết thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm củ dong riềng để sản xuất miến dong và tinh bột dong riềng, sản phẩm của hợp tác xã hiện đã tiêu thụ tại chuỗi 16 siêu thị lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… và xuất khẩu.
Giám đốc Hợp tác xã Tân Tiến (Lâm Đồng) Mai Văn Khẩn cho rằng, việc sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp giúp sản phẩm không còn đối mặt tình trạng “được mùa mất giá”, song nhận thức của các thành viên hợp tác xã về chuỗi liên kết còn hạn chế.
Các thành viên vẫn còn tâm lý so sánh, bán hàng ra ngoài, phá vỡ liên kết khi giá cả thị trường tăng; tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ còn nhiều, canh tác theo thói quen nên việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn khó khăn.
Còn theo Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn, ngay từ giai đoạn đầu, tập đoàn xác định phục vụ bà con nông dân từ giống, dịch vụ, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu, dần dần khuyến khích bà con nông dân liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp song thực tế nảy sinh nhiều vấn đề, nhất là tình trạng “bẻ kèo” vẫn diễn ra.
“Chúng tôi xác định liên kết cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân nhưng vẫn khó khăn trong chính mối liên kết của mình”, ông Thòn thừa nhận, và cho rằng một trong những nguyên nhân chính bởi “thái độ hợp tác nói chung chưa tốt”, chưa kể có sự cạnh tranh không lành mạnh.
Đổi mới tư duy, nắm bắt cơ hội
Bà Nguyễn Thị Hoan cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, HTX cần đổi mới tư duy, nắm bắt cơ hội trong chuỗi giá trị. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Đức chỉ ra rằng để nắm bắt các xu hướng, HTX cần có tầm nhìn về xu hướng phát triển nhanh của thương mại hiện đại so với thương mại truyền thống với những chuẩn mực đặc thù; nền tảng công nghệ, khoa học kỹ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm; xu hướng liên kết mở, cùng chia sẻ và phát triển dựa trên năng lực cạnh tranh cốt lõi của cá thể…
Liên quan đến quản trị HTX, ông Lê Văn Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTX Xuyên Việt góp ý, HTX muốn phát triển bền vững cần mắt xích quan trọng là hội đồng cố vấn chuyên sâu với sự tham gia của nhà khoa học, chuyên gia, giám đốc HTX “thực chiến” để giúp HTX không bị “mò đường”, “loay hoay” trong phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực...
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tổ chức củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung…
Về phía các hợp tác xã, các doanh nghiệp với vai trò là cầu nối, chủ thể dẫn dắt của chuỗi liên kết, phải chủ động tăng cường năng lực quản lý, điều hành, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết theo hướng công khai, minh bạch. "Quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, tự nguyện, thống nhất, giữ uy tín giữa các bên; không giữ được chữ tín thì không thể liên kết thành công", Phó Thủ tướng nêu rõ.