Gỡ khó cho lao động ngành than, điện than
Thập kỷ qua, ngành than, nhiệt điện than đã có nhiều biện pháp cải thiện, nâng cao cuộc sống, môi trường làm việc của người lao động, giúp họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Tuy nhiên, đứng trước xu hướng chuyển đổi năng lượng, loại bỏ dần nhiệt điện than, lực lượng lao động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống đang đứng trước nhiều rủi ro, thách thức.
Theo cam kết COP26 của Thủ tướng Chính phủ về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tỷ trọng ngành nhiệt điện than sẽ giảm xuống đáng kể trong những thập kỷ tới, tiến tới loại bỏ hoàn toàn, hoàn thành lộ trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Xu hướng này sẽ tác động đến lao động trong ngành khai thác than, nhiệt điện than nói chung, nhưng mức độ tác động sẽ khác nhau đối với từng đơn vị, đối tượng.
Những rủi ro, thách thức vẫn… “lửng lơ”
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Vũ Đức Việt, Kíp trưởng lò máy Phân xưởng vận hành, Công ty CP Nhiệt điện Đông Triều - TKV, cho rằng: “Đối với lao động ở các nhà máy mới xây dựng, lao động sắp đến tuổi nghỉ hưu thì không có ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên, với những lao động trẻ và ở các nhà máy điện đã hết khấu hao, hiệu suất kém, thiết bị cũ lạc hậu bắt buộc phải dừng và không được đầu tư tái tạo thì bản thân người lao động phải đối diện với nguy cơ mất việc làm, mất thu nhập, ảnh hưởng tới kinh tế gia đình, đời sống gia đình, xã hội xáo trộn. Đây là nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội. Lao động phải tìm kiếm việc làm mới, chuyển dịch nghề nghiệp và phải tham gia các khóa đào tạo và tự đào tạo để thích nghi với công việc mới. Trong khi bản thân đã có một quá trình làm việc cũng tạo một phần sức ỳ công việc, kiến thức cũng một phần mai một, bản thân phải lĩnh hội kiến thức mới cũng vấp phải khó khăn trong việc đổi mới”.
Trong khi đó, đặc điểm công việc trong ngành nhiệt điện than có những tính chất đặc thù, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn các ngành nghề khác. Đơn cử, môi trường làm việc của người lao động đa số phải làm việc ca kíp, chế độ 3 ca 4 kíp, nên thời gian nghỉ ngơi ít, làm việc ca đêm ảnh hưởng tới sức khỏe do đồng hồ sinh học bị đảo lộn. Bên cạnh đó, môi trường làm việc khắc nghiệt, thường xuyên tiếp xúc với nguồn nhiệt, nguồn hơi có nhiệt độ cao, tiếng ồn, khói bụi, các hóa chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Chính vì vậy, nhìn chung mong muốn của các lao động ngành nhiệt điện than là được cải thiện về thu nhập so với mặt bằng ngành điện, được khám sức khỏe định kỳ chuyên sâu hơn về các bệnh nghề nghiệp, tầm soát ung thư,… cải thiện môi trường làm việc.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, lao động trong ngành nhiệt điện than đối mặt với với nhiều rủi ro thách thức hơn nữa. Đặc biệt, lao động nữ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn và rủi ro nhiều hơn nam giới vì phải gắn trách nhiệm nuôi dạy con cái, chăm lo nội trợ, nhà cửa, gia đình, nên việc tham gia các khóa đào tạo sẽ khó khăn hơn nam giới, hơn nữa phải có sức khỏe để phù hợp với công việc mới. Các công ty tư nhân, doanh nghiệp cũng kén chọn ưu tiên nam giới hơn vì vấn đề chế độ thai sản, ốm đau của lao động nữ.
Bên cạnh đó, ngành than cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi quá trình chuyển đổi năng lượng bởi nhu cầu khai thác than phục vụ sản xuất nhiệt điện rất lớn. Nếu sản xuất nhiệt điện than giảm xuống, lao động trong ngành này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như bị cắt giảm, giảm lương,… thậm chí cả mất việc. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy than Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tường cho rằng: “Việc xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng để thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 là cần thiết. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ có tác động rất lớn tới đời sống kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng và người lao động nên cần phải có những giải pháp căn cơ, tổng thể, toàn diện và phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, nhất là trong bối cảnh thực tại nước ta thuộc nhóm các nước đang phát triển, có nền công nghiệp và trình độ khoa học kỹ thuật tương đối thấp so với nhóm các nước phát triển và tiệm cận phát triển”.
Điều đáng chú ý là phần lớn lao động trong ngành than, nhiệt điện than vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về quá trình chuyển đổi năng lượng, để có được nhận thức đầy đủ về những rủi ro, cũng như sự chuẩn bị cần thiết để ứng phó với những rủi ro đó. Như ông Vũ Đức Việt chia sẻ rằng, bản thân cũng “chưa biết nhiều và chưa có thông tin về cam kết COP26 cũng như Quy hoạch điện 8 của Chính phủ”, bên cạnh đó “bản thân người lao động nhiệt điện than chưa được đào tạo kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để phù hợp cho ngành năng lượng tái tạo mới.” Mặt khác, ông Đỗ Đình Đạt, Phó phòng An toàn - Môi trường Công ty Nhiệt điện Uông Bí chia sẻ rằng, nếu không có chính sách, cơ chế, lộ trình phù hợp, việc chuyển đổi năng lượng có thể gây ra một số áp lực tâm lý cho những lao động trong ngành nhiệt điện than vốn đã ổn định việc làm và cuộc sống.
Cần sớm có giải pháp từ cơ quan chức năng
Nhằm bảo đảm sự công bằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, Chính phủ đã cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đó bao gồm những lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá trình này. Theo đó, việc lắng nghe nguyện vọng, đề xuất của các bên liên quan rất quan trọng, làm căn cứ xây dựng cơ chế, chính sách giải quyết các quyền lợi “sát sườn” của người lao động trong lĩnh vực năng lượng truyền thống.
Đánh giá về các rủi ro, thách thức với người lao động, ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Đông Triều - TKV chia sẻ, trên thực tế đến nay nhà máy đã vận hành đến năm thứ 11: “Với tuổi thọ cùa nhà máy nhiệt điện là khoảng 30 năm thì sau khoảng 19 năm nữa các cán bộ, công nhân viên sẽ đối mặt với rủi ro thất nghiệp vì hiện nay Việt Nam đang hạn chế phát triển các dự án nhiệt điện. Rủi ro về thu nhập, các dự án năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển sẽ tạo cạnh tranh lớn trong thị trường điện, nhà máy sẽ đối mặt với nguy cơ phải giảm công suất đồng nghĩa với giảm doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thách thức đối với người lao động là phải nâng cao trình độ, kỹ năng để có thể thích ứng với các công việc khác nhau trong trường hợp nhiệt điện than không còn được sử dụng”.
Trên thực tế, để thích ứng với chuyển đổi năng lượng, nhiều nhà máy nhiệt điện than hiện đang đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm môi trường thông qua việc đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao trình độ nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh mới trong sản xuất. Theo ông Vũ Quang Chiến, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí, để người lao động trong ngành nhiệt điện than không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi năng lượng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, lộ trình chuyển đổi có chính sách đào tạo, chính sách an sinh xã hội cụ thể đối với các doanh nghiệp nhiệt điện than trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Về phía người lao động cũng mong muốn có những chính sách, cơ chế phù hợp để họ có thể tiếp tục cống hiến, đóng góp cho công cuộc bảo đảm an ninh năng lượng và các mục tiêu quốc gia, đồng thời có sinh kế và cuộc sống ổn định. Đơn cử như có cơ chế hỗ trợ trong việc đào tạo, tái đào tạo nghề nghiệp từ phía doanh nghiệp, các ban, ngành chức năng Trung ương, địa phương và được bố trí lao động; giải quyết chế độ nghỉ hưu, chế độ với người gần đủ điều kiện nghỉ chế độ hưu về thời gian đóng bảo hiểm, tuổi nghỉ hưu; có sự hỗ trợ về bố trí công việc cho con cái người lao động bị mất việc được làm việc trong ngành năng lượng tái tạo sau khi ra trường, để ổn định đời sống kinh tế của gia đình người lao động bị mất việc….
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/go-kho-cho-lao-dong-nganh-than-dien-than-post489110.html