Gỡ khó cho ngành Y tế

Thời gian qua, Sở Y tế cùng các sở, ngành liên quan đã nỗ lực, cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện việc mua sắm, cung ứng đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay, sẽ tạo điều kiện thuận lợi, sớm tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế tỉnh, nhất là về cơ sở pháp lý. Phóng viên (PV) Báo Phú Thọ đã có cuộc phỏng vấn TS.BS Nguyễn Giang Long - Phó Giám đốc Sở Y tế để làm rõ hơn nội dung này.

Thực hiện phẫu thuật nội soi cắt túi mật cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa.

PV: Trong năm 2022, công tác khám, chữa bệnh của ngành Y tế bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Vậy ngành Y tế tỉnh đã có giải pháp như thế nào về vấn đề này, thưa đồng chí?

TS.BS Nguyễn Giang Long: Năm 2022, thực trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (TTBYT) đã diễn ra ở một số địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Xảy ra tình trạng trên là do sau đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, nhập khẩu các hàng hóa thuộc lĩnh vực y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi đó số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tăng, dẫn đến nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm,… của các cơ sở y tế tăng cao trở lại, làm ảnh hưởng đến việc xác định nhu cầu và triển khai kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, việc gián đoạn nguồn cung ứng thuốc, TTBYT do cơ chế pháp lý và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang tiếp tục được hoàn thiện, dẫn đến ảnh hưởng tới việc cấp phép lưu hành, tổ chức mua bán và các đơn vị có khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ “nút thắt” trong mua sắm, đấu thầu TTBYT, ngày 25/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 72/CĐ-TTg về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Ngày 3/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý TTBYT nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực TTBYT. Ngày 4/3/2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT. Thực hiện các văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ quy định pháp luật, theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện.

So với tình hình cung ứng khó khăn chung của nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Phú Thọ vẫn cơ bản đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ khám, chữa bệnh. Sở Y tế đã đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán được Sở Y tế chỉ đạo thực hiện đúng quy định hiện hành. Trong thời điểm dịch bệnh vô cùng khó khăn, Sở Y tế vẫn đảm bảo vừa chống dịch, vừa triển khai các công việc bình thường khác, trong đó có việc đấu thầu mua sắm, nhờ vậy chủ động và đảm bảo về tiến độ.

Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả; hướng dẫn các đơn vị y tế chủ động sử dụng các thuốc thay thế có cùng tác dụng, thực hiện việc điều tiết giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh để hạn chế tác động do việc thiếu cục bộ. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế chủ động tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Sở Y tế cũng đã triển khai thực hiện ngay nội dung nghị định, nghị quyết mới của Chính phủ tới các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.

Không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây khó khăn cho việc điều trị bệnh nhân của các cơ sở y tế trong toàn tỉnh.

PV: Cùng với các chính sách mới được Chính phủ ban hành, Bộ Y tế cũng đã sửa đổi, ban hành nhiều văn bản về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, từ đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế các địa phương. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về nội dung này?

TS.BS Nguyễn Giang Long: Các hướng dẫn mới đã góp phần giải quyết khó khăn trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh, phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Nghị định số 07/2003/NĐ-CP của Chính phủ giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành TTBYT; đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành TTBYT và tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành, xử lý TTBYT bị thu hồi số lưu hành. Sửa đổi quy định về xuất, nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất TTBYT, quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá. Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan tới thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu; hướng dẫn xác định giá gói thầu, hướng dẫn việc sử dụng TTBYT đã được cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng với các chính sách mới được Chính phủ ban hành, Bộ Y tế cũng đã sửa đổi, ban hành nhiều văn bản về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, từ đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế các địa phương. Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BYT ngày 12/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Ngoài bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan về kỹ thuật của thuốc trong quá trình đấu thầu mua sắm để phù hợp hơn với thực tiễn, Thông tư đã sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 14 của Thông tư 15/2019/TT-BYT về giá gói thầu.

Theo quy định cũ, khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, để có cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, đơn vị phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế (Cục Quản lý dược, của Cục Quản lý y, dược cổ truyền), Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố trên trang thông tin điện tử. Trong đó, giá trúng thầu được tham khảo theo nguyên tắc: Giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc, dược liệu đó trong mỗi nhóm tiêu chí kỹ thuật đã được công bố. Giá kế hoạch là căn cứ để các đơn vị cung ứng chào giá thầu đồng thời cũng là căn cứ để bên mời thầu đánh giá. Quy định “giá năm sau không cao hơn năm trước” không phù hợp với biến động thị trường, lạm phát, trượt giá… Mặc dù các đơn vị có thể tham khảo các căn cứ khác nhưng thông tin công khai là chính thống vì vậy các cơ sở thường áp dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều thuốc không trúng thầu. Như vậy, Thông tư mới đã bỏ nguyên tắc giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất đã được công bố.

PV: Cùng với bảo đảm vật tư y tế, vấn đề nguồn nhân lực y tế được dư luận rất quan tâm, nhất là tình trạng thiếu bác sĩ hoặc dịch chuyển nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư. Đồng chí có thể cho biết thực trạng này trên địa bàn tỉnh ta như thế nào, ngành Y tế Phú Thọ đã có những giải pháp gì để bảo đảm nguồn nhân lực?

TS.BS Nguyễn Giang Long: Bên cạnh đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế, ngành Y tế đặc biệt chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế. Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc đã triển khai thực hiện công tác tuyển dụng cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu, theo chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao. Thực hiện công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực theo đề án vị trí việc làm đã xây dựng. Từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực, xây dựng cơ cấu viên chức hợp lý tại từng đơn vị, từng bộ phận. Các đơn vị trực thuộc xây dựng các chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tế và đặc thù riêng của từng đơn vị. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ ngành Y tế, tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật giữa các tuyến trung ương - tỉnh - huyện - xã.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách do Nhà nước quy định; từng bước nâng cao thu nhập để nhân viên y tế yên tâm công tác, gắn bó với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tổng số bác sĩ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế hiện là 1.741 người (trong đó có 121 Tiến sĩ và chuyên khoa cấp II; 513 Thạc sĩ và chuyên khoa cấp I). Cùng với số bác sĩ công tác tại các bệnh viện ngành và y tế ngoài công lập, chỉ số bác sĩ trên vạn dân năm 2022 của tỉnh là 14,2 (cao hơn mức bình quân chung của cả nước).

Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, triển khai mới nhiều dịch vụ kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho nhân dân. 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã tích cực, chủ động, quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện các hoạt động. Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đã thực hiện được từ 15- 25% kỹ thuật vượt tuyến; Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện được khoảng hơn 50% kỹ thuật vượt tuyến, trong đó có những kỹ thuật thuộc hạng đặc biệt. Chất lượng cung ứng dịch vụ, năng lực chuyên môn được nâng cao, thái độ phục vụ ngày càng tận tụy và chuyên nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngọc Tuấn (Thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/go-kho-cho-nganh-y-te/191960.htm