Gỡ khó cho nghề làm chổi cọng dừa ở xứ cù lao
Những năm gần đây, tranh thủ những lúc nông nhàn, người dân ở thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng phát triển nghề thủ công truyền thống là làm chổi cọng dừa từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Nhờ nghề này mà đông đảo người dân địa phương có thêm thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Sĩ, Chủ nhiệm Hợp tác xã 8/3 cho biết: "Hiện trên địa bàn thị trấn Cù Lao Dung có hơn 40 xã viên theo nghề làm chổi cọng dừa. Chổi cọng dừa rất dễ làm, người già, trẻ em chỉ cần được hướng dẫn vài giờ là làm được. Nghề này đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Một người có thể làm được 30 cây chổi/ngày và được trả công bình quân từ 60.000 đến 75.000 đồng/ngày”. Còn bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa ở ấp Phước Hòa A, người có thâm niên hơn 30 năm theo nghề, chia sẻ: "Mỗi ngày tôi bán hơn 200 cây chổi và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ở đây có hai loại chổi là chổi đặt và chổi ngang. Chổi đặt là loại chổi có cọng dừa già được chặt xuống rồi đem phơi, thông thường chổi đặt có cọng màu trắng, được bện nhiều dây hơn nên rất chắc chắn và giá thành cao hơn chổi ngang từ 2.000 đến 3.000 đồng/chiếc. Còn chổi ngang có cọng được tước ra từ tàu dừa đã rụng khỏi cây nên cọng chổi có màu đen và giá rẻ hơn. Cơ sở của tôi chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của thương lái, với giá bán sỉ là 13.000 đồng/chiếc”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều hộ dân làm chổi ở ấp Phước Hòa B đang thiếu vốn để mở rộng sản xuất và cần có định hướng để mở rộng thị trường. Hiện tại, ngoài các xã viên của Hợp tác xã 8/3 vẫn còn nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên dễ bị ép giá... Rất mong chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia hợp tác xã và hỗ trợ vốn để họ mở rộng sản xuất.