Gỡ khó cho nuôi biển công nghệ cao, hướng đến mục tiêu tỷ đô
Để gỡ 'thẻ vàng' thủy sản, cũng như bảo vệ tài nguyên biển, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đang được ngành nông nghiệp chú trọng thực hiện là đẩy mạnh nuôi, trồng trên biển (nuôi biển), đặc biệt là nuôi biển công nghệ cao. Tuy nhiên, những rào cản pháp lý đang khiến ngành kinh tế giàu tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả.

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển được kỳ vọng đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD. Ảnh: ST
Hướng đến mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD từ nuôi biển
Với hơn 1 triệu km2 diện tích vùng biển, hơn 3.260 km bờ biển và hàng nghìn hòn đảo, Việt Nam có điều kiện tự nhiên hiếm nơi nào sánh bằng để phát triển nuôi biển. Tuy nhiên, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi, trồng thủy sản trên cả nước. Ngành nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng 4 - 5% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước, đa phần vẫn là mô hình nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi.
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường - NNMT), để phát triển ngành nuôi biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi, trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển lĩnh vực nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều đảo, là điều kiện thuận lợi để nuôi biển. Ảnh: N.Lộc
“Nếu đầu tư bài bản, ngành nuôi biển Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra 5 - 10 tỷ USD doanh thu mỗi năm, đem lại hàng trăm nghìn việc làm bền vững ven biển” - lãnh đạo Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết.
Hiện, các vùng vịnh kín, nước sâu gần bờ ở Khánh Hòa, Phú Yên (cũ, nay là tỉnh Đắk Lắk), Quảng Ninh đặc biệt phù hợp để nuôi các loài cá có giá trị xuất khẩu như cá bớp, cá chim, cá hồng, tôm hùm. Trong đó, mô hình nuôi biển công nghệ cao đang được các địa phương giàu tiềm năng nuôi biển ngày càng chú trọng.
Thực tế, một số mô hình nuôi biển công nghệ cao đã bắt đầu cho thấy tiềm năng rõ rệt: từ cá bớp nuôi lồng HDPE tại Khánh Hòa, Phú Yên (từ báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III), nuôi tôm hùm công nghiệp thay thế lồng truyền thống, đến ứng dụng công nghệ cao của các startup như MimosaTEK, T-Fish, eSeaGo đang hỗ trợ người nuôi giám sát môi trường, cảnh báo dịch bệnh và tự động hóa quy trình chăm sóc...
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, trong bối cảnh Việt Nam chịu “thiệt đơn, thiệt kép” và có nguy cơ gia tăng rủi ro khi “thẻ vàng” được chuyển sang “thẻ đỏ”, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), trong đó có việc tăng cường nuôi biển, với sự tham gia của khoa học, công nghệ.

Ngành thủy sản đang đẩy mạnh chuyển hướng sang nuôi biển, đặc biệt là các mô hình sản xuất công nghệ cao. Ảnh: ST
Do đó, đây là lúc Việt Nam cần đảo chiều tư duy, chuyển mạnh từ đánh bắt, khai thác triệt để tài nguyên sang nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển công nghệ cao - xu thế không thể đảo ngược hiện nay.
Định hướng của ngành thủy sản là chuyển dịch theo hướng giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi biển mà vẫn đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng giá trị kim ngạch hằng năm ở mức 4-5%. Trong đó, đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt 0,8-1 tỷ USD.
Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nếu hành động kịp thời, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu khu vực về phát triển nghề nuôi biển hiện đại, vừa bảo vệ được nguồn lợi thiên nhiên, vừa nâng tầm giá trị xuất khẩu, góp phần xây dựng nền kinh tế biển xanh, bền vững trong tương lai.
Những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ…
Bảo vệ nguồn tài nguyên biển trước nguy cơ cạn kiệt do đánh bắt quá mức, cũng như nguồn lợi khổng lồ từ nuôi biển là yêu cầu cấp thiết. Song theo các chuyên gia, ngành nuôi biển đang gặp nhiều rào cản, khiến tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả.
Trong đó, về mặt thể chế, hiện vẫn còn thiếu sự nhất quán trong quy định, chưa thực sự tạo dựng được môi trường kiến tạo và đồng hành với doanh nghiệp. Hiện nay, thể chế còn phân tán ở các luật, như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai…, chưa thể hiện sự minh bạch, rõ ràng. Do đó, cần phải xây dựng văn bản, thể chế, khung pháp lý riêng, có thể là luật riêng, trước mắt là Nghị định riêng về lĩnh vực nuôi biển.

Người dân cần thay đổi thói quen, chuyển dần từ đánh bắt sang nuôi biển để phát triển ngành thủy sản bền vững. Ảnh: N.Lộc
Đại diện một trong những địa phương trong tốp đầu cả nước về nuôi biển, Giám đốc Sở NNMT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết, việc triển khai nuôi biển trên địa bàn cũng gặp khó khăn do bất cập từ quy định.
Cụ thể, theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định về giao khu vực biển, việc thẩm định hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh trong vùng biển từ 3-6 hải lý, ngoài ý kiến của các cơ quan Quân đội, Công an cấp tỉnh, còn phải lấy ý kiến của 4 Bộ, ngành liên quan là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, dẫn đến thủ tục hành chính phức tạp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản biển khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương chưa xây dựng phương án, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo thứ tự ưu tiên và chưa xác định cụ thể tọa độ, ranh giới khu vực biển thu hút đầu tư nuôi biển nên khó khăn trong công tác lựa chọn nhà đầu tư - ông Sơn cho biết thêm.
Các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, quy trình nuôi theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị
Thứ trưởng Bộ NNMT Phùng Đức Tiến
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, việc thiếu quy hoạch vùng nuôi biển một cách bài bản đang là “điểm nghẽn” trong phát triển ngành kinh tế này. Hiện nay, nhiều vùng biển tiềm năng chưa được quy hoạch bài bản cho nuôi biển công nghiệp. Doanh nghiệp muốn đầu tư bài bản cần một không gian ổn định và có thể gắn bó lâu dài, nhưng quy hoạch thì chậm cập nhật hoặc chồng lấn các loại hình khai thác khác như vận tải, du lịch...
Đặc biệt, một trong những rào cản lớn nằm ở vấn đề tiếp cận tín dụng. Dù Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ như: Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách này do những yêu cầu, thủ tục quá khắt khe mà doanh nghiệp khó đáp ứng.
“Nuôi biển công nghệ cao là lĩnh vực đầu tư lớn, rủi ro cao và cần vốn trung - dài hạn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có gói tín dụng chuyên biệt cho ngành này và gần như không có cơ chế bảo hiểm phù hợp nếu gặp thiên tai, dịch bệnh” - một doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nuôi biển lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp dù rất quan tâm, song không dám mạo hiểm mở rộng sản xuất.

Nuôi biển giúp giảm nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, đồng thời mang lại sinh kế cho người dân. Ảnh: N.Lộc
Tại Họp báo thường kỳ thông tin về kết quả của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NNMT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển, tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức thì những tiềm năng, lợi thế đó sẽ không thể phát huy hết được.
Do đó, theo Thứ trưởng, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nuôi biển công nghệ cao là yêu cầu đặt ra hàng đầu hiện nay.
Với định hướng đúng đắn và sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, địa phương cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân, nuôi biển hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản và phát triển kinh tế biển bền vững của đất nước.
6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 19,6%, 18,2% và 15%.