Gỡ khó cho sách điện tửTin khácKết nối các nguồn lực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mơíDanh sách cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú' lần thứ nhất, năm 2021

Thông thường, xã hội ngày càng được số hóa mạnh mẽ, kinh tế số cũng nhờ thế mà tăng trưởng chóng mặt. Tuy nhiên, sách điện tử (ebook) là một ngoại lệ khi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.Tiện ích nhiều bề Ebook được bạn đọc trẻ quan tâm tìm đọc. Ảnh: Diệu Đức Giao diện gian hàng ebook của NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Ảnh do NXB cung cấp.

Ebook được hiểu là sách được xuất bản và phát hành theo định dạng số và được đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử. Lợi ích và tiện ích ebook mang lại so với sách in ai cũng có thể thấy rõ khi không tốn kém nguyên vật liệu; quy trình xuất bản và phát hành nhanh hơn; độc giả dễ dàng lựa chọn đầu sách, lưu trữ, sử dụng trên nhiều thiết bị số khác nhau; giá cả rẻ hơn…

Với việc các thiết bị đọc ebook chuyên biệt hay các thiết bị số khác ngày càng có giá thành phải chăng, việc sử dụng ebook ngày càng trở nên phổ biến. Luật sư, dịch giả Lâm Vũ Thao (TP Hồ Chí Minh)-một người thường xuyên đọc ebook cho biết: “Cảm giác khi đọc ebook trên máy đọc sách chuyên biệt như Amazon Kindle không có khác biệt so với đọc sách in. Nhưng nếu chuyển sang thiết bị đọc ebook không chuyên biệt như máy tính bảng, tôi thấy không thoải mái, ví dụ như chói mắt. Tất nhiên, nếu độc giả nào quen đọc trên các thiết bị không chuyên biệt thì một chút khó chịu chắc không làm giảm đam mê đọc ebook”.

Các nhà xuất bản (NXB) lớn trên thế giới đều đẩy mạnh xuất bản và phát hành ebook. Thông qua sự hỗ trợ, hợp tác của các tập đoàn công nghệ thông tin và các nhà sản xuất công nghệ cao, tích hợp sẵn ebook trên thiết bị điện tử hoặc cho phép tải về. Doanh số bán ebook không ngừng tăng, chiếm khoảng hơn 20% thị phần mua sách ở các nước phát triển. Nhiều NXB và các tác giả viết sách có thêm lợi nhuận từ mảng sách này.

Tại Việt Nam, từ năm 2015, một số NXB bắt đầu thử nghiệm xuất bản ebook. Song, hiện chỉ có 9 NXB tham gia, chiếm 15% tổng số NXB. Ngoài ra còn một số công ty tư nhân phân phối, cung cấp ebook. Những năm gần đây, số đầu sách xuất bản ở nước ta trên dưới 30.000 nhưng số lượng ebook chỉ chiếm khoảng 5-7%. Doanh thu từ xuất bản điện tử rất thấp, thậm chí nhiều đơn vị chưa thống kê doanh thu từ mảng ebook này sau nhiều năm triển khai.

Nhiều chuyên gia dự báo, dù quy mô còn khiêm tốn song xu hướng sử dụng ebook ở Việt Nam sẽ tăng dần lên do dân số trẻ có nhu cầu đọc sách cao, lượng người sử dụng internet lớn.

Nhức nhối vi phạm bản quyền

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến số đầu sách ebook năm 2020 chỉ còn 2.000 so với 2.400 đầu sách năm 2019. Đây được xem là một nghịch lý vì thông thường, qua nhiều đợt giãn cách, thời gian người dân ở nhà nhiều nên việc sử dụng các tiện ích, dịch vụ, sản phẩm công nghệ số sẽ tăng lên. Trong khi đó, doanh số sách in tuy có giảm nhưng không đáng kể so với khi đại dịch chưa bùng phát nhờ việc đặt sách qua sàn sách trực tuyến quốc gia (book365.vn), website thương mại điện tử (tiki) và vận chuyển tận nơi rất dễ dàng.

Không khó lý giải nghịch lý này, nguyên nhân chính vẫn là tình trạng vi phạm bản quyền ebook tràn lan qua nhiều năm chưa được xử lý mạnh. Thay vì mua ebook có bản quyền của các NXB, nhiều độc giả “tải lậu” các bản sách ebook trên các trang web, trang mạng xã hội. Theo số liệu của Công ty Cổ phần Waka (chuyên cung cấp ebook trả phí có trụ sở tại Hà Nội), ở nước ta chỉ có gần 3 triệu người trả phí trong khoảng 15 triệu người có thói quen đọc ebook tính theo phiên bản sách in. Đa số trang mạng sẽ thoải mái cho người đọc tải bản ebook lậu miễn phí, chỉ một số cuốn là phải trả phí với giá cả rất rẻ, khoảng 5.000 đồng/lượt tải. Các bản ebook lậu chủ yếu là bản scan sách in theo dạng hình ảnh nên chất lượng rất kém, nhiều sai sót.

Mặc dù các NXB có xuất bản và phát hành ebook đã đầu tư công nghệ, tạo các ứng dụng của riêng để độc giả mua và đọc ebook dễ dàng, song với giá ebook có bản quyền vẫn là “đắt” so với các bản ebook lậu. Chính vì việc ebook lậu tràn lan dẫn đến hệ quả tiêu cực là các NXB không muốn hoặc cũng không thể đẩy mạnh phát triển mảng ebook. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Sách web, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Doanh thu ebook của NXB chúng tôi tăng theo từng năm nhưng rất thấp. Nếu lại tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ, đẩy mạnh mảng sách ebook thì độ rủi ro rất cao khi mà việc vi phạm bản quyền chưa được xử lý mạnh”.

Có một số ý kiến cho rằng độc giả Việt Nam chưa có thói quen trả phí để sử dụng ebook nên tiếp tay thêm cho nạn vi phạm bản quyền. Điều này là đúng nhưng thói quen xấu sẽ không còn hay đúng hơn, muốn tải lậu cũng không được nếu như các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt vấn nạn vi phạm bản quyền trước tiên. Ở bất cứ nơi nào cũng vậy, thật khó trông chờ vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức vì nếu được sử dụng miễn phí mà không bị xử lý so với bỏ tiền ra mua sản phẩm thì không nhiều người sẵn sàng móc hầu bao.

Quy hoạch xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 đã đặt mục tiêu: Duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản phẩm điện tử. Ở các nước phát triển, việc ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền hiệu quả mới đạt đến con số nói trên; nếu chúng ta không có hành động, e rằng rất khó đạt mục tiêu này, đồng nghĩa không thể gỡ khó cho ebook.

Theo Quandoinhandan

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/441428-go-kho-cho-sach-dien-tu.html