Gỡ khó cho thanh long, mì ăn liền xuất khẩu EU
Các cơ quan chức năng đang nỗ lực để EU giảm tần suất kiểm tra quả thanh long và thực phẩm ăn liền của Việt Nam.
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản gửi Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam nêu nội dung chính dự kiến cần thảo luận tại cuộc họp trực tuyến 2 bên vào đầu tháng 3 tới.
Cụ thể, Việt Nam sẽ phản hồi quy định mới của EU về việc tạm thời tăng tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quả thanh long của Việt Nam, tăng tần suất kiểm tra đối với các loại rau gia vị, đậu bắp và ớt; việc yêu cầu bổ sung chứng thư và báo cáo thử nghiệm với chỉ tiêu ethylene oxide đối với mì ăn liền nhập khẩu vào EU.
Văn phòng SPS Việt Nam mong muốn phối hợp với cơ quan đồng cấp EU thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần xuất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và thực phẩm ăn liền.
Ngoài ra, cuộc họp sẽ cập nhật tiến độ thực thi cam kết SPS (các vấn đề về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm) của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); cập nhật danh sách doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU và ngược lại.
Được biết, từ 6-1-2022, thanh long Việt Nam xuất khẩu sang EU bị áp dụng biện pháp kiểm tra tăng cường với tần suất 20% so với 10% trước đó.
Ngoài ra, mì ăn liền từ Việt Nam cũng bị kiểm tra với tần suất 20% (trước đó chỉ kiểm tra ngẫu nhiên) để kiểm soát nguy cơ ô nhiễm ethylene oxide sau khi phát hiện một số lô mì nhiễm chất này.
Trao đổi với phóng viên ngày 28-1, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là thanh long. Đây là một mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, được trồng ở vùng có điều kiện khí hậu đặc thù, người nông dân còn nhiều khó khăn nhưng rất nỗ lực vượt khó để tạo ra các sản phẩm thanh long chất lượng, an toàn cho sức khỏe người dùng.
Đối với các DN, ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo cần kiểm soát quy trình quản lý chất lượng để tránh xảy ra bị cảnh báo vi phạm quy định của thị trường.
"Nếu bị cảnh báo thì đối tác nhập khẩu sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn, có thể nâng tần suất kiểm tra hoặc yêu cầu bổ sung các thủ tục. Việc tháo gỡ sẽ rất mất thời gian vì giải quyết phải theo thông lệ quốc tế, các cơ quan, doanh nghiệp phải chuẩn bị tài liệu, hồ sơ, họp hành..." - ông Nam phân tích.
Kiểm tra quá mức
Theo các DN, việc EU kiểm tra quá mức đối với sản phẩm thanh long khiến giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt chưa tới 20 triệu USD trong doanh số hơn 1 tỉ USD xuất khẩu thanh long hằng năm. Ngoài chi phí kiểm tra trước, việc chờ đợi kết quả kiểm tra khiến sản phẩm dù đạt chất lượng cũng bị xuống mã, giảm giá trị.