Gỡ khó cho thể thao Việt Nam
Dịch Covid-19 đã, đang tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có thể thao. Khi nhiều lĩnh vực đã bắt đầu thích nghi với tình hình mới của dịch Covid-19, thì thể thao cũng không là ngoại lệ. Ngành Thể dục - Thể thao đang nỗ lực gỡ khó, tìm ra mô hình chuẩn để tổ chức các giải đấu an toàn trong thời gian tới.
Các vận động viên môn taekwondo tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội nỗ lực tập luyện để sẵn sàng trở lại khi các giải đấu được khởi tranh. Ảnh: Nguyễn Quang
Nhiều khó khăn vì dịch bệnh
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, khiến ngành Thể dục - Thể thao gặp rất nhiều khó khăn. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Hoàng Yến, trong năm 2021, thể thao thành tích cao Việt Nam có gần 200 giải đấu cấp quốc gia, nhưng đến nay mới có 46 giải đấu được tổ chức.
Từ tháng 5 đến nay, các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao quốc gia đều phải hoãn, dừng tổ chức do dịch Covid-19.
Trong số các giải đấu bị dừng tổ chức, có hai giải đấu được quan tâm nhất là Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA 2021) và Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia (V.League 2021).
Đáng chú ý, VBA 2021 là giải đấu đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phương án tổ chức theo hình thức “bong bóng khép kín” (thi đấu cách ly tập trung, hạn chế tiếp xúc bên ngoài, khép kín việc di chuyển từ khách sạn tới nhà thi đấu...) - hình thức thi đấu đã được Giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ áp dụng thành công trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thế nhưng, với cách làm này, VBA 2021 vẫn không đi đến đích, do dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), trong đó có khu vực diễn ra giải đấu.
Trong khi đó, V.League 2021 đã phải tạm dừng từ tháng 5-2021, khi chỉ còn một vòng đấu nữa là kết thúc giai đoạn 1. Mặc dù, Ban tổ chức giải đã đưa ra nhiều phương án, kế hoạch để tái khởi động, song do tình hình phức tạp của dịch bệnh nên cuối cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định dừng giải đấu này.
Các giải bị hoãn, dừng tổ chức đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tập luyện, thi đấu cọ xát, duy trì phong độ của các vận động viên và thiệt hại không ít tiền của. Giám đốc Điều hành VBA 2021 Trần Chu Sa cho biết, việc buộc phải hủy bỏ mùa giải 2021 khiến Ban tổ chức VBA 2021 bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Hướng đến trạng thái "bình thường mới"
Theo Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Hoàng Quốc Vinh, trong năm 2021 vẫn còn hàng chục giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia phải lùi lịch thi đấu, chờ dịch được kiểm soát để tổ chức. Thế nhưng, nếu chỉ chờ dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn mới tổ chức giải thì không thể giải quyết được vấn đề chuyên môn là phải tổ chức thi đấu để đánh giá chính xác năng lực, phong độ của vận động viên và tìm kiếm nhân tố mới cho đội tuyển quốc gia.
Huấn luyện viên nhóm đi bộ của điền kinh Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Văn Khoa chia sẻ: “Những người làm công tác huấn luyện như chúng tôi rất sốt ruột vì khó đánh giá chính xác phong độ của vận động viên khi họ không có điều kiện dự giải trong hệ thống thi đấu quốc gia, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp”.
Còn vận động viên Nguyễn Thị Hiền của đội bi sắt Hà Nội cũng chia sẻ, các vận động viên rất muốn được thi đấu tại hệ thống giải quốc gia để giữ cảm giác thi đấu. Chỉ khi tham gia thi đấu mới giúp vận động viên nâng trình độ.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng cho rằng, từ các giải đấu quốc tế hiện nay, việc áp dụng mô hình "bong bóng khép kín" và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho huấn luyện viên, vận động viên là giải pháp hữu hiệu nhất để đưa các giải đấu thể thao Việt Nam trở lại. “Giải pháp “thẻ xanh Covid-19” (dành cho người đã được tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2…) đang được nhắc đến để áp dụng vào nhiều lĩnh vực, là điều kiện cơ bản đối với những người muốn tham gia hoạt động đông người ở lĩnh vực đó. Vì thế, khi được cơ quan chức năng cho phép, ngành Thể dục - Thể thao hoàn toàn có thể cân nhắc cách làm này trong việc tổ chức giải đấu”, ông Đào Quốc Thắng nói.
Phụ trách bộ môn boxing nữ Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội) Nguyễn Như Cường nhận định, quá trình tổ chức thí điểm các giải thể thao thời gian tới không dễ. Song, dù thế nào thì cơ quan quản lý thể thao cũng cần thí điểm để tìm ra mô hình mẫu tổ chức các giải đấu trong điều kiện "bình thường mới".
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, Tổng cục đang xây dựng kế hoạch tổ chức thí điểm 1-2 giải thể thao quốc gia, áp dụng chặt chẽ biện pháp an toàn, tổng kết thành mô hình chuẩn để từ đó, nhân rộng mô hình tổ chức các giải đấu trong bối cảnh tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/1013621/go-kho-cho-the-thao-viet-nam