Gỡ khó cho truyền tải điện từ năng lượng tái tạo

Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Chỉ trong hai năm, tỷ lệ NLTT trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với hai nguồn chủ yếu: Điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên quá trình phát triển nhanh NLTT cũng kéo theo thách thức như quá tải hệ thống truyền tải lưới điện dẫn đến phải giảm công suất phát điện. Các bộ, ngành liên quan cũng như các chuyên gia đang tích cực đưa ra nhiều ý kiến giải quyết vấn đề này.

Năng lượng sạch chiếm 9% tổng nguồn điện

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2020 tổng nguồn điện quốc gia được cung cấp bằng NLTT là 7% và tăng lên 10% vào năm 2030. Tuy nhiên, tính tới tháng 7-2019, tỷ lệ này đã chiếm 9% tổng nguồn điện với công suất điện mặt trời và điện gió lần lượt đạt 4.543 MW và 626,8 MW.

Đề cập đến tỷ lệ NLTT trong cơ cấu nguồn hệ thống điện, theo Phó cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) Đỗ Đức Quân: Tại Việt Nam, trong cơ cấu nguồn điện, nguồn NLTT chiếm khoảng 10-15% công suất của hệ thống điện là hợp lý. Dự kiến, đến năm 2025, tổng công suất hệ thống điện khoảng gần 100.000MW thì NLTT khoảng 15.000MW. Tỷ lệ này được xem là phù hợp vừa bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện, vừa góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

 Hoạt động sản xuất máy phát điện cho tuabin gió tại Nhà máy Tuabin gió General Electric Hải Phòng. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Hoạt động sản xuất máy phát điện cho tuabin gió tại Nhà máy Tuabin gió General Electric Hải Phòng. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Theo Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Lê Hải Đăng: Chính sách giá mua điện hấp dẫn từ nguồn NLTT (FIT), giá FIT1 là 9,35 cent/kWh (tương đương 2.134 đồng/kWh) áp dụng cho đến hết tháng 6-2019, khiến các nhà đầu tư ồ ạt xây dựng nhà máy điện mặt trời, tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, dẫn tới tình trạng quá tải lưới điện cục bộ.

Thông tin về tình trạng thiếu đồng bộ giữa đường dây truyền tải với các dự án điện mặt trời, ông Lê Hải Đăng cho biết, thông thường đầu tư xây dựng lưới điện phải mất vài năm mới có thể đi vào hoạt động, nhất là hiện nay thủ tục xây dựng rất lâu; trong khi tiến độ từ khi khởi công tới lúc hòa lưới điện mặt trời chỉ mất vài tháng nên quá tải cục bộ lưới điện sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Đại diện EVN cho rằng, ngay từ khi quyết định, các nhà đầu tư đã lường trước việc quá tải cục bộ của hệ thống truyền tải này. Trước đây, EVN cũng có đề xuất nhà đầu tư lắp thêm hệ thống pin dự trữ để có thể tích điện. Tuy nhiên, vì lý do tài chính và hiệu quả lợi nhuận không cao nên nhà đầu tư không làm.

Doanh nghiệp tư nhân chỉ nên xây đường điện lưới dưới 110KV

Để giải tỏa công suất các dự án NLTT, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó có chủ trương xã hội hóa, tư nhân đầu tư đường dây truyền tải để đáp ứng tiến độ, giảm áp lực đầu tư, đáp ứng các dự án điện mặt trời, điện gió đi vào vận hành. Tuy nhiên đây là vấn đề mới, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia nên các bộ, ban, ngành đang xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Năng lượng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, lưới điện đang quá tải tại một số địa phương phát triển nóng điện mặt trời, do đó việc huy động tư nhân cùng xây lưới truyền tải là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân chỉ nên thực hiện đường điện lưới dưới 110KV. Sau đó, cần tính toán các phương án vận hành sao cho bảo đảm điện tư nhân hòa lưới không làm ảnh hưởng đến hoạt động kỹ thuật của toàn bộ lưới điện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách bảo đảm lợi ích hài hòa cho tư nhân khi tham gia xây dựng đường dây, bởi chi phí đầu tư đường dây có chiều dài 10km khác với đường dây 30km, 50km; điện áp 35KV và điện áp 110KV cũng có thiết bị đầu tư đường dây khác nhau, trạm biến áp khác nhau. TS Nguyễn Đình Quang cũng đưa ra đề xuất, trong bối cảnh quá tải lưới điện, tư nhân muốn xây dựng nhà máy điện mặt trời tại bất cứ địa phương nào cũng nên tham khảo ý kiến từ EVN. Bởi lẽ, nếu nhà máy điện mặt trời phải giảm công suất phát điện do quá tải hệ thống truyền tải sẽ gây lãng phí, thiệt hại cho chủ đầu tư. Ngược lại, nếu công suất đó phát lên lưới mà hạ tầng của EVN không đáp ứng được cũng dẫn đến tình trạng quá tải, thay đổi chế độ vận hành lưới điện, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống.

Để bảo đảm phát triển NLTT, theo ông Lê Hải Đăng cần phải có các tính toán, xác định giới hạn công suất truyền tải trên đường dây 500KV Bắc Nam; bổ sung thêm các hệ thống bảo vệ đặc biệt (sa thải phụ tải theo điện áp, theo giới hạn ổn định), đồng thời, nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng.

TRÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-cho-truyen-tai-dien-tu-nang-luong-tai-tao-592719