Gỡ khó công tác giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính
Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 14, các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023; khẳng định sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Nhất là gỡ khó cho công tác giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính.
Gỡ khó trong giải phóng mặt bằng
Theo các đại biểu, những tháng cuối năm, khó khăn và thách thức đặt ra là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do khan hiếm thị trường, đơn hàng và khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ ở cả khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu ngân sách hụt giảm, giảm sâu ở nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất… nếu không được giải quyết kịp thời giải quyết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm và mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Theo đó, đại biểu Lê Minh Nghĩa (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường, tiếp cận vốn đầu tư; triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí… đã được Trung ương ban hành để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục đẩy nhanh, rút ngắn tối đa thời gian xử lý các hồ sơ, thủ tục đối với người dân và doanh nghiệp trong điều kiện cho phép của quy định pháp luật; quan tâm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư...
Còn theo đại biểu Ngô Đình Hùng (Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa),những tháng cuối năm,các cấp, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách từ kinh tế bị giới hạn, các huyện, thị, thành phố cần khai thác nguồn thu từ tài nguyên và đất đai, như: khai thác quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án được chấp thuận đầu tư, nhằm tạo ra năng lực sản xuất mới, nguồn thu mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nêu thực tế, hiện nay thị trường bất động sản "đóng băng", có những địa phương sẵn mặt bằng, mở đấu giá nhiều lần nhưng không bán được, khiến việc thu ngân sách từ đấu giá tiền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công không đạt mục tiêu, nhiều đại biểu nhận định, các dự án gặp vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công... Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh kịp thời chấn chỉnh những bất cập nêu trên; kiên quyết thanh lý hợp đồng đối với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công không bảo đảm tiến độ, chất lượng và quy định; khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng các dự án cho các chủ đầu tư theo quy định.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh Tnanh Hóa đứng thứ 47/63 tỉnh, thành, giảm 4 bậc so với năm 2021 là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Theo một số đại biểu, qua khảo sát, đánh giá của các bộ, ngành Trung ương, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thời gian qua được cải thiện rõ rệt; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng đầu khu vực miền Trung, xếp thứ 8 trong cả nước. Tuy nhiên, PCI lại thấp, sụt giảm. Điều này phản ánh sự xung đột khi môi trường đầu tư của tỉnh là điểm đến rất hấp dẫn, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng trong khâu cải cách hành chính.
Đại biểu Cao Tiến Đoan (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh) cho rằng, cần rà soát, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, khắc phục tình trạng trì trệ như hiện nay; rà soát, xem xét không nên bố trí những cán bộ có hành vi né tránh công việc, đùn đẩy, nhũng nhiễu vào các vị trí đầu mối trong giải quyết công việc. Có như vậy mới tạo ra sự thân thiện của chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp; làm cơ sở để nâng cao PCI của tỉnh Thanh Hóa trong tốp 10 cả nước. Trong giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp, đại biểu Cao Tiến Đoan đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét khi giải quyết một việc chỉ nên giao cho một đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành để tổng hợp ý kiến tham mưu, nhằm nêu cao trách nhiệm và sự năng động, sáng tạo của sở ngành đó; góp phần rút ngắn thời gian xử lý công việc mà không bị lặp đi, lặp lại.
Khẳng định PCI được xem là một trong những chỉ số đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương, nhiều đại biểu cho rằng, các sở, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch, triển khai các dự án, giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh hơn; tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cần có cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực, ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư.