Gỡ khó để hợp tác xã phi nông nghiệp phát triển

HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa) cần vay vốn ưu đãi khoảng 400 triệu đồng để trả lương cho công nhân. Ảnh: MINH DUYÊN

Một thời gian dài, các hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động không nổi bật, số HTX làm ăn hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay, sau đại dịch lại càng khó hơn. Các HTX này rất cần sự hỗ trợ để vực dậy việc kinh doanh.

Khó càng thêm khó

Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 36 HTX phi nông nghiệp. So với 5 năm trước, số lượng các HTX giảm mạnh (giảm 35 HTX); trong đó, lĩnh vực xây dựng giảm tới 21 đơn vị, tiểu thủ công nghiệp giảm 7 đơn vị, GT-VT giảm 4 đơn vị, còn lại là lĩnh vực thương mại và môi trường. Nguyên nhân của tình trạng này là do không đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu của ngành nên buộc phải ngừng hoạt động (đối với ngành xây dựng, GT-VT), không tìm được đầu ra tiêu thụ (với các HTX tiểu thủ công nghiệp, thương mại) và năng lực về vốn thấp không đủ khả năng tồn tại trong điều kiện chưa mở rộng được dịch vụ.

HTX Dịch vụ Song A (TX Sông Cầu) là HTX đầu tiên của tỉnh chuyên về dịch vụ môi trường. Ra đời không được bao lâu, HTX này đã phải ngừng hoạt động. Lãnh đạo UBND TX Sông Cầu cho biết: Ngừng hoạt động nhiều năm nhưng khoản nợ từ Quỹ Hỗ trợ giải quyết việc làm, đơn vị vẫn chưa thanh toán được. Như vậy, không những không tạo ra thu nhập như kỳ vọng ban đầu, đơn vị này còn gánh thêm nợ.

Đối với những HTX đang hoạt động, dịch COVID-19 vừa qua đã gây thêm khó khăn. Theo các HTX vận tải, dịch bệnh khiến doanh thu của các đơn vị giảm rõ rệt. Tuy chủ yếu là xe gia đình nên chi phí khấu hao không lớn nhưng do khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi qua kênh HTX hạn chế, nên khả năng mở rộng dịch vụ không cao.

HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa) là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất hiện nay trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX này, cho biết: Dịch bệnh khiến một số hàng gỗ mỹ nghệ xuất khẩu của HTX không xuất đi được. Hiện nay, khách hàng vẫn “im lặng” với các đơn hàng, trong khi đó các chi phí bảo dưỡng máy móc, nhà xưởng, duy trì hoạt động… đơn vị vẫn phải thanh toán đều đặn. Không có nguồn thu nên tiền lương công nhân HTX phải vay tạm của thành viên gần 140 triệu đồng để giữ chân họ. Là đơn vị xuất khẩu, nên trong tình hình thị trường thế giới còn khó như hiện nay thì chưa biết khi nào HTX tái khởi động sản xuất. Bước đầu, HTX đang tìm cách tạo ra các mẫu hàng mới để đi chào hàng với hy vọng mở rộng thêm thị trường và đối tác tiêu thụ.

Mong muốn được hỗ trợ

Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm: HTX rất cần vay khoảng 400 triệu đồng với lãi suất thấp để trả lương công nhân cho đến khi tình hình xuất khẩu trở lại bình thường. Đơn vị cũng mong muốn được gia hạn thuế đến cuối năm để giảm áp lực chi phí. HTX đã làm hồ sơ gửi lên cấp trên với hy vọng được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ nhưng chưa thấy kết quả.

Với các HTX phi nông nghiệp khác, vốn là yếu tố quan trọng để vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển. Từ trước tới nay, các đơn vị này không được tiếp cận vốn ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Diễn, Giám đốc HTX Vận tải khách du lịch Yên Phú (TP Tuy Hòa), các ngân hàng cho rằng, tài sản (đầu xe) là của hộ cá thể nên các hộ trực tiếp vay thương mại còn HTX không được vay. Điều này khiến HTX và thành viên HTX thiệt thòi. Nên chăng có kênh vốn riêng cho khối kinh tế tập thể, giống như ngân hàng HTX tại địa phương để các HTX phi nông nghiệp có cơ hội vay vốn ưu đãi.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Các HTX phi nông nghiệp chỉ chiếm trên 26% tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhưng nguồn vốn lại chiếm tới trên 41% trong tổng vốn hiện có của các HTX. Đặc biệt, các HTX phi nông nghiệp là nơi tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho lao động nông nhàn. Những điều này cho thấy, các đơn vị này đóng góp không nhỏ cho thành phần kinh tế tập thể. Trong nền kinh tế thị trường, các HTX này sẽ là đơn vị tạo ra nhiều doanh thu, đầu tàu hỗ trợ cho phát triển kinh tế hộ nếu được đầu tư đúng hướng. Thời gian qua, sở dĩ các HTX chưa được đánh giá đúng bởi các HTX mới chỉ dừng lại ở giải quyết thủ tục hành chính cho thành viên, chưa phát huy được vai trò định hướng, nên mọi hoạt động kinh doanh vẫn chủ yếu do các hộ cá thể thực hiện. Cũng từ đây, các HTX khó thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Liên minh đã đề xuất với UBND tỉnh thành lập Ngân hàng HTX tỉnh Phú Yên. Đồng thời, đơn vị tranh thủ kêu gọi các kênh hỗ trợ trong hệ thống liên minh toàn quốc để các HTX có điều kiện giải quyết vấn đề căn bản nhất là vốn. Có như vậy, các HTX mới hiện đại hóa trang thiết bị và phương tiện hoạt động, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, đẩy mạnh liên kết với các thành phần kinh tế khác trong và ngoài tỉnh.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/240561/go-kho-de-hop-tac-xa-phi-nong-nghiep-phat-trien.html