Gỡ khó kích hoạt tài khoản định danh điện tử
Ứng dụng VNeID hỗ trợ tích hợp các thông tin người dùng với nhiều tính năng đa dạng có thể thay thế thẻ căn cước công dân gắn chíp và các loại giấy tờ cá nhân khác như: Thẻ BHYT, BHXH, giấy phép lái xe… Ngoài ra VNeID còn có thêm những tiện ích về hỗ trợ công dân trong khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi. Thời gian qua, Công an tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các đợt cao điểm thu nhận và kích hoạt định danh điện tử (ÐDÐT) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc kích hoạt và sử dụng tài khoản ÐDÐT còn gặp một số khó khăn vướng mắc.
Là một trong những huyện hoàn thành vượt chỉ tiêu thu nhận và kích hoạt tài khoản ÐDÐT theo kế hoạch giao năm 2023 (29.106 tài khoản), huyện Mường Ảng đã thu nhận 30.023 tài khoản (đạt 103,2% kế hoạch); trong đó, đã kích hoạt 20.781 tài khoản (đạt 71,4%).
Trung úy Trần Huy Việt, cán bộ Ðội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Mường Ảng) cho biết: Hiện nay việc triển khai thu nhận và kích hoạt tài khoản ÐDÐT cho người dân trên địa bàn huyện còn khó khăn. Nguyên nhân do trình độ, nhận thức, điều kiện của một bộ phận dân cư về công nghệ thông tin, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho thực hiện dịch vụ công trực tuyến như sim điện thoại, điện thoại di động còn hạn chế. Một số bản vùng cao sóng điện thoại không ổn định, mạng 3G, 4G chưa được phủ sóng nên khó khăn trong triển khai thực hiện. Thời gian qua, Công an huyện đã cùng Công an xã phối hợp với các hội đoàn thể, tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến từng thôn bản hỗ trợ cài đặt tài khoản ÐDÐT cho người dân với phương châm hướng dẫn người dân nào chắc người đó; làm đến đâu chắc đến đó; địa bàn thuận lợi làm trước, khó khăn làm sau.
Ông Nguyễn Văn Hoan, người dân tổ dân phố 4, thị trấn Mường Ảng cho biết: Tôi năm nay hơn 70 tuổi, sau khi có căn cước công dân gắn chíp điện tử, gần đây được thành viên tổ công nghệ số cộng đồng của thị trấn đến tận nhà giúp tôi kích hoạt và hướng dẫn sử dụng tài khoản ÐDÐT. Các thông tin về BHYT, BHXH được tích hợp vào tài khoản giúp tôi thuận tiện trong việc khám chữa bệnh không phải mang nhiều loại giấy tờ tùy thân. Tôi rất hài lòng.
Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, đến nay toàn tỉnh đã tổ chức thu nhận được 374.051 hồ sơ định danh và xác thực điện tử đạt 104,5% (vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao). Một số địa phương có tỷ lệ thu nhận 100% như: TP. Ðiện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Ðiện Biên, huyện Mường Ảng... Trong đó, đã thực hiện kích hoạt được 312.190 tài khoản ÐDÐT (đạt 87,2%).
Hiện nay toàn tỉnh còn 129/1.448 bản (chiếm 9%) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 30% người dân không có điện thoại thông minh, 15 bản chưa có dịch vụ tối thiểu di động 2G; 79 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng di động (3G, 4G), 165 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định (cáp quang); tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,35%, hộ cận nghèo chiếm 9,63%. Qua rà soát toàn tỉnh hiện có 30.561 trường hợp có nhu cầu sử dụng sim điện thoại nhưng không có khả năng mua sim để sử dụng. Ðồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 82% dân số toàn tỉnh, trình độ dân trí không đồng đều dẫn đến nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc cài đặt ứng dụng VNeID còn hạn chế. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa chấp nhận ÐDÐT trong công tác quản lý Nhà nước, giải quyết các thủ tục hành chính. Tại một số đơn vị công chứng, ngân hàng vẫn yêu cầu khách hàng cung cấp giấy phô tô căn cước công dân 2 mặt trong thực hiện các giao dịch: Mua bán, chuyển nhượng tài sản, vay vốn…
Trao đổi về các giải pháp gỡ khó trong việc thu nhận và kích hoạt tài khoản ÐDÐT cho người dân trên địa bàn, Thượng tá Chu Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Ðể thu nhận và kích hoạt tài khoản ÐDÐT cho toàn bộ công dân đủ điều kiện trên địa bàn, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 3763/UBND-NC gửi các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đề nghị hỗ trợ 30.561 sim điện thoại và đồng thời hỗ trợ các giải pháp công nghệ như: Cung cấp chữ ký số miễn phí cho công dân, hỗ trợ giải pháp thu nộp phí, lệ phí bằng hóa đơn điện tử tích hợp trên hệ thống. Ðồng thời, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm triển khai các giải pháp thu nhận hồ sơ và kích hoạt tài khoản ÐDÐT trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường quân số, huy động tối đa lực lượng tuyên truyền hướng dẫn và thu nhận hồ sơ ÐDÐT. Ðặc biệt Công an một số huyện đã phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể (thanh niên, phụ nữ…) có mặt tại các bến xe để tuyên truyền hỗ trợ công dân kích hoạt tài khoản ÐDÐT.
Ðến nay 10/10 đơn vị Công an cấp huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu UBND cùng cấp cấp kinh phí mua 70 bộ thiết bị thu nhận ÐDÐT. Ðối với các trường hợp công dân không có sim điện thoại, các đơn vị, địa phương đã thực hiện kêu gọi nguồn xã hội hóa. Công an TP. Ðiện Biên Phủ đề nghị MobiFone Ðiện Biên cấp miễn phí 515 sim điện thoại; Công an huyện Ðiện Biên đề nghị Viettel Ðiện Biên cung cấp miễn phí 500 sim điện thoại, kết hợp nguồn xã hội hóa 500 sim điện thoại; huyện Mường Nhé quyên góp hỗ trợ 600 sim điện thoại cho các hộ nghèo; Công an huyện Mường Chà ký Kế hoạch phối hợp với Ðồn Biên phòng, các ngân hàng, nhà mạng để thu nhận và kích hoạt tài khoản ÐDÐT. Ngoài ra VNPT Ðiện Biên cấp miễn phí 2.180 sim điện thoại cho người dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trường hợp công dân chưa có điện thoại thông minh Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ hướng dẫn các tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện kích hoạt tài khoản ÐDÐT cho người dân trên nền tảng web.