'Gỡ khó' phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Từ kết quả phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi theo trình độ phát triển, tỉnh ta đã khảo sát, đánh giá sự hụt giảm, thay đổi chính sách sau khi các xã, thôn ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm “gỡ khó”, phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS...
Hà Giang là nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em cùng chung sống với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 87,7% cơ cấu dân số. Vùng đồng bào DTTS được xác định là một trong những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Do vậy, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều cơ chế, chính sách về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS; từng bước thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK và đô thị còn khá lớn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào DTTS, vùng sâu, xa, vùng còn cao. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 18,54% nhưng nay, theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2022 – 2025 thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 42,08%; trong đó, hộ DTTS nghèo, cận nghèo là 78.263/79.102 hộ, chiếm 98,94% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có 15 xã ra khỏi vùng ĐBKK, từ xã khu vực III về xã khu vực I (trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM năm 2020); 27 xã từ khu vực II về xã khu vực I. Giai đoạn 2021 – 2025, dựa trên tiêu chí phân định xã theo trình độ phát triển tại Quyết định số 33 và danh sách phân định xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh ta có 192/193 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (trừ thị trấn Vĩnh Tuy – Bắc Quang); trong đó, 52 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 133 xã vùng III. Đặc biệt, toàn tỉnh có 11 xã khu vực II/6 huyện (giai đoạn 2016 – 2020) được xác định là xã khu vực III (giai đoạn 2021 – 2025), 1 xã từ khu vực I được xác định là xã khu vực II (xã Mậu Duệ - Yên Minh, do không đảm bảo tiêu chí duy trì xã đạt chuẩn NTM). Ngoài ra, tỉnh ta còn có 1.362 thôn ĐBKK (giảm 46 thôn so với giai đoạn 2016 – 2020).
Qua khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho thấy: Trước thời điểm Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, các xã, thôn vùng ĐBKK được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, sau khi Quyết định 861 có hiệu lực, các xã, thôn đã ra khỏi vùng ĐBKK sẽ thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với vùng ĐBKK. Trong đó, 3 nhóm chính sách có sự hụt giảm sâu, phạm vi ảnh hưởng rộng, số đối tượng tác động lớn, bao gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục - đào tạo năm học 2021 – 2022, bảo hiểm y tế (BHYT) và chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, toàn tỉnh có gần 11.000 học sinh bị cắt giảm chính sách hỗ trợ tiền ăn, ở, lương thực, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập với tổng số kinh phí cắt giảm lên đến hơn 37,7 tỷ đồng, 785 tấn gạo hỗ trợ học sinh bán trú. Hơn 2.800 cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện cắt giảm chính sách hỗ trợ; tương ứng số kinh phí cắt giảm trong 7 tháng cuối năm 2021 là gần 25,8 tỷ đồng. Đồng thời, 27.962/102.067 đối tượng không được ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT, buộc phải chuyển sang hình thức tự nguyện mua thẻ BHYT theo nhóm hộ hoặc tham gia BHYT bắt buộc.
Ngay sau khi có quyết định phân định xã, thôn theo trình độ phát triển, các cấp, ngành đã chủ động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến nhân dân. Điều chỉnh đối tượng được mua, hỗ trợ mua thẻ BHYT, vận động các đối tượng không được hỗ trợ thẻ BHYT mua thẻ BHYT tự nguyện; rà soát, điều chỉnh, cắt giảm chính sách thu hút cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đặc biệt, UBND cấp huyện, xã và các đơn vị trường học chủ động xây dựng giải pháp tạm thời nhằm khắc phục những khó khăn do việc cắt giảm chính sách đối với học sinh, như: Tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, đảm bảo tỷ lệ huy động theo kế hoạch năm học 2021 – 2022; vận động xã hội hóa, hỗ trợ học sinh học bán trú nhằm đảm bảo duy trì sĩ số học sinh...
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Triệu Trung Hiệp, chia sẻ: Với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc đã tham mưu ban hành 2 nghị quyết quan trọng về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS; quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách T.Ư và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, trọng tâm là tăng cường đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển bền vững KT-XH. Lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu cốt lõi, từ đó thu hẹp nhanh hơn khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng trong tỉnh. Xác định hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho nhân dân. Mặt khác, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân và tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS là giải pháp trung tâm để triển khai thực hiện...
Những quyết sách trên khi đi vào cuộc sống được kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện, nhanh và bền vững vùng đồng bào DTTS. Qua đó, rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng phát triển; giảm dần số xã, thôn ĐBKK, cải thiện rõ nét đời sống và nâng cao sinh kế của nhân dân.