Gỡ khó rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp
Lâu nay, rào cản về pháp lý được xem là rủi ro lớn nhất có thể khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, thậm chí phá sản…
Doanh nghiệp lo ngại rào cản pháp lý
Trên thực tiễn, những rào cản về pháp lý là rủi ro doanh nghiệp gặp phải thường xuyên nhất. Đơn cử, khoảng cuối tháng 9/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã không chấp nhận đơn khởi kiện quyết định thuế của Công ty TNHH Tân Lộc. Đại diện Công ty Tân Lộc cho biết, Công ty nhận thầu thi công công trình nhà ở xã hội D7-D10 (phường Mỹ Bình, TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) vào năm 2014 từ chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý nhà và chung cư (thuộc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận).
Trong quyết định ngày 6/8/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với thuế giá trị gia tăng (GTGT) chi phí xây dựng là 5%.
Tuy nhiên, khi Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận kiểm tra thì mức thuế này được nâng lên 10% với lý do “chỉ hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội mới có thuế GTGT là 5%, còn hoạt động nhận thầu thi công nhà ở xã hội là hợp đồng xây dựng phải có thuế GTGT là 10%”.
Sau đó, Công ty bị phạt 130 triệu đồng do hành vi kê khai sai và bị truy thu thuế với số tiền 652 triệu đồng.
Trong một vụ việc khác, vào năm 2015, Công ty F.I.T Việt Nam được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy kết cấu thép Fuji Việt Nam với diện tích đất hơn 40.000 m2 tại Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang). Công ty đã nhập thiết bị máy móc và ký hợp đồng với các đối tác nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công ty chưa được bàn giao mặt bằng vì cơ quan nhà nước chưa giải quyết xong các thủ tục với nhà đầu tư cũ là Công ty TNHH Liên doanh Việt Hàn. Điều này dẫn đến thiệt hại kinh tế cho nhà đầu tư mới.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương(CIEM) chia sẻ, một hệ thống pháp luật có thể “giết chết” một doanh nghiệp nếu tạo ra 5 chi phí, đó là phí hành chính (tức thời gian thực hiện thủ tục hành chí); phí, lệ phí phải trả cho cơ quan nhà nước khi làm thủ tục hành chính;
Chi phí đầu tư (tiền doanh nghiệp phải đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, nhân công, đào tạo… để đáp ứng yêu cầu của quy định pháp luật); chi phí cơ hội (mất cơ hội kinh doanh, chi phí vốn do thời gian thủ tục kéo dài, hoặc chậm thủ tục, hoặc không đúng hẹn) và chi phí phi chính thức (phí phải chi cho cơ quan, cán bộ trong quá trình thực hiện pháp luật).
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang ở tình trạng “1 Luật, 10 Nghị định, 100 Thông tư ”, chưa kể hàng ngàn văn bản điều hành theo kiểu “xin - cho” từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Nghĩa là, Việt Nam vẫn điều hành bằng cơ chế hành chính là chủ yếu, chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường, dẫn tới bất ổn trong kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) chia sẻ thêm, bên cạnh các văn bản pháp lý, doanh nghiệp còn lo ngại vấn đề hồi tố, bởi với nhiều quy định áp dụng khác nhau có thể khiến doanh nghiệp “bất ngờ” bị cơ quan nhà nước yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn, dẫn đến tăng chi phí hoạt động…
Gỡ cách nào?
Để doanh nghiệp có thể phát triển, theo các chuyên gia, pháp luật cần đảm bảo các yếu tố tin cậy, nhất quán và ổn định.
Đại diện VCCI cho biết, có 9 tiêu chí để đánh giá một văn bản pháp luật tốt, trong đó tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi và tính minh bạch là những tiêu chí quan trọng nhất, bên cạnh chi phí tuân thủ thấp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, giảm nguy cơ nhũng nhiễu và đủ tính tiên liệu.
Đặc biệt, những văn bản luật có ảnh hưởng rộng rãi như các luật thuế thì không nên làm theo quy trình rút gọn để đảm bảo cho người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật.
Các luật còn chồng chéo, cải cách không nhiều vì “đấy là những chỗ có rất nhiều quyền lợi”...
“Các luật còn chồng chéo, cải cách không nhiều vì ‘đấy là những chỗ có rất nhiều quyền lợi’. Nếu muốn sửa luật, không nên để từng bộ sửa, mà nên có một nhóm chuyên gia độc lập thực hiện, dưới sự chỉ đạo của một Phó Thủ tướng thì mới có thể tạo sự thông thoáng cho hệ thống pháp luật”, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất.
Ông Phan Đức Hiếu thì nhấn mạnh, hiện nay còn thiếu một cơ quan giám sát chung trong quá trình ban hành và thực thi pháp luật để kiểm soát chất lượng quy trình; làm đầu mối phối hợp soạn thảo; xác định các lĩnh vực trọng tâm để nâng cao chất lượng quy định; xây dựng bộ công cụ, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo và nâng cao quy định một cách có hệ thống.