Gỡ khó trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Nhà nước thu hồi đất
Thời gian qua, bằng sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực trong triển khai thực hiện và sự đồng thuận của Nhân dân, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực để thực hiện hàng trăm dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của toàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua đơn thư, ý kiến phản ánh của nhiều bạn đọc, công tác bồi thường GPMB trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập, đòi hỏi các giải pháp để cùng chung tay tháo gỡ.
Thi công dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Đoan Hùng, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn.
Tháng 3-2022, các hộ dân cư trú ở xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa có đơn, thư kiến nghị gửi đến Tòa soạn Báo Thanh Hóa. Nguyên nhân gửi đơn là do các hộ không thống nhất với các quyết định của UBND huyện Hoằng Hóa về việc thu hồi đất nông nghiệp của họ để thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phố Trung Sơn, thị trấn Bút Sơn. Khi trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân, ý kiến của các hộ dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương thực hiện dự án, tuy nhiên giá trị bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với diện tích đất nông nghiệp quá thấp khiến người nông dân chịu nhiều thiệt thòi. Các hộ cho rằng, phần diện tích phải GPMB là diện tích đất lúa còn lại mà các hộ đang canh tác, có hộ lên đến 4 - 5 sào ruộng ở cùng vị trí, khi GPMB phải thu hồi hết, đơn giá áp dụng bồi thường GPMB chỉ có 45.000 đồng/m2 đất; cộng với số tiền bồi thường đối với lúa (5.000 đồng/m2), tiền hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tiền hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất... Số tiền nhận bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với mỗi sào ruộng không “thấm” so với giá cả thị trường hàng hóa ngày càng “leo thang”... Cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể liên quan, các hộ dân phải mất nhiều thời gian và công sức kiên trì đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục, một số hộ dân nêu trên mới thống nhất nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB và bàn giao đất để thực hiện dự án.
Đánh giá thực trạng cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến khiếu kiện về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn là do những vướng mắc về công tác bồi thường GPMB, tập trung ở những vấn đề như: giá trị bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp; xác minh nguồn gốc đất; trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất vẫn còn tình trạng thiếu công khai, minh bạch...
Yến Sơn là xã nằm giáp thị trấn Hà Trung. Theo quy hoạch xây dựng vùng huyện Hà Trung đến năm 2045, địa bàn xã Yến Sơn nằm trong quy hoạch thị trấn Hà Trung mở rộng. Để thực hiện các chỉ tiêu phát triển đô thị theo quy hoạch đã phê duyệt, trên địa bàn xã hiện đang thực hiện nhiều dự án, trong đó có 5 dự án trọng điểm, gồm: 3 dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phía Đông thị trấn Hà Trung (phân khu 1, 2, 3); dự án Trường THCS Lý Thường Kiệt; xây dựng đường trục trung tâm nối Quốc lộ 217 và tỉnh lộ 508. Để thực hiện các dự án này, có 447 trường hợp bị ảnh hưởng (5 tổ chức, 442 hộ gia đình, cá nhân) với tổng diện tích đất thực hiện GPMB là 38,02 ha, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp.
Ông Lê Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Yến Sơn, cho biết: Khi thực hiện GPMB đối với các dự án nêu trên, địa phương gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Nhiều hộ dân kiến nghị đơn giá bồi thường về đất nông nghiệp, mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề còn thấp; trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của một số hộ dân đầu tư làm trang trại lúa, cá đã nhiều năm gặp vướng mắc. Một số hộ đã chuyển nhượng đất ở trong làng để có tiền đầu tư trang trại, nên khi được thông báo về chủ trương GPMB thực hiện dự án, các hộ không khỏi băn khoăn, lo lắng về vấn đề an sinh sau này. Xã Yến Sơn được thành lập năm 2019, trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hà Ninh và Hà Lâm cũ. Xã Hà Ninh cũ trước đây đã thực hiện điều chỉnh ruộng đất 4 lần vào các năm 2004, 2008, 2014, 2016, do đó việc xác định nguồn gốc đất các thửa đất nông nghiệp, chủ sử dụng gặp nhiều khó khăn do thời gian đã lâu, một số hộ dân không còn giữ được các giấy tờ qua các thời kỳ để làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ GPMB...
Những vướng mắc trong công tác hỗ trợ, bồi thường GPMB là thực tế đang xảy ra tại nhiều địa phương. Ở xã Yến Sơn, khi thực hiện GPMB các dự án trên, nhiều hộ dân đã có đơn, thư kiến nghị gửi đi nhiều nơi. Khi xác định giá bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với vị trí đất nông nghiệp của các hộ dân ở xã Yến Sơn, đơn giá đất nông nghiệp được xác định là 40.000 đồng/m2, tương đương 20 triệu đồng/sào; tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bằng 1,5 lần giá đất nông nghiệp, cùng với các khoản tiền bồi thường về hoa màu, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất... tính ra giá trị bồi thường đối với 1 sào đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất dao động trong khoảng từ 50 - 53 triệu đồng. Trên thực tế, nhiều người dân còn so bì giữa đơn giá bồi thường đất được thực hiện theo quy định của Nhà nước với giá đất do doanh nghiệp thỏa thuận với người dân dẫn đến sự không thống nhất và đồng thuận. Thậm chí, tính đến ngày 10-5, ở xã Yến Sơn hiện có hàng chục hộ dân chưa phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác kiểm kê khối lượng bồi thường GPMB, hay xác minh nguồn gốc đất. Hội đồng bồi thường GPMB dự án đã và đang phải thực hiện các thủ tục để tiến hành kiểm kê bắt buộc để hoàn thiện quy trình thu hồi đất.
GPMB vốn là công việc khó khăn liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Muốn tháo gỡ những vướng mắc trong bồi thường, GPMB đòi hỏi phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Trao đổi những nội dung liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, ông Đỗ Viết Dực, phó trưởng ban GPMB hỗ trợ tái định cư, UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: Theo Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 29-1-2022 của UBND tỉnh về GPMB để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022, thị xã Nghi Sơn phải thực hiện GPMB với tổng diện tích 476,16 ha nhằm phục vụ 69 dự án. GPMB càng nhanh, thu hút đầu tư càng tốt. Vướng mắc mà đa số các hộ dân trong diện phải GPMB đất nông nghiệp đều thắc mắc và kiến nghị đó là giá trị bồi thường hỗ trợ GPMB thấp so với thực tế; vướng mắc trong việc xác minh loại đất bồi thường như: đất ở, đất vườn cùng thửa đất ở, đất trồng cây hàng năm...
Ông Dực cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đất đai được Nhà nước giao cho hộ gia đình, tập thể, cá nhân quản lý sử dụng, muốn phát triển phải thực hiện GPMB. Do vậy, cần thiết phải ban hành luật riêng quy định thống nhất về bồi thường GPMB, tránh sự chồng chéo bởi những văn bản luật khác. Chính sách bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh cần được nghiên cứu, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với xu hướng phát triển và tình hình thực tiễn hiện nay. Đơn cử như nâng mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm từ mức 1,5 lần giá đất nông nghiệp đang áp dụng hiện nay lên mức 2 lần để phù hợp và thuận lợi hơn trong GPMB. Cần tăng cường hơn nữa vai trò tuyên truyền, vận động của các phòng, ban, ngành, tổ chức đoàn thể ở cấp xã, huyện để người dân hiểu về ý nghĩa của công tác GPMB và đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ trong quá trình thực hiện. Ví như, đối với dự án Nhà nước thu hồi đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng, để tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Số tiền này được phân bổ lại theo quy định để chi vào các hoạt động đầu tư phát triển, thực hiện các chương trình, dự án, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.