Gỡ khó trong đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập
Mặc dù đã đủ thuốc, vật tư y tế cung ứng cho hoạt động khám chữa bệnh nhưng vẫn còn đơn vị thiếu thuốc cục bộ, cần có giải pháp bảo đảm quyền lợi người bệnh.
Khó từ đâu?
Theo Bộ Y tế, những vướng mắc về cơ chế đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế đến nay cơ bản được khắc phục nhưng vấn đề thiếu thuốc cục bộ vẫn xảy ra.
Nguyên nhân được nhiều đơn vị chỉ ra, có thể do đứt gãy chuỗi cung ứng tại nước sản xuất nên nhà thầu không tham dự hoặc không đủ cung ứng; chất lượng, giá cả không đáp ứng được yêu cầu; bệnh nhân khám chữa bệnh tăng đột biến...
Ghi nhận tại tỉnh Điện Biên, năm 2023, Bệnh viện Phổi của tỉnh đã tổ chức đấu thầu 70 mặt hàng thuốc với tổng trị giá khoảng 1,8 tỷ đồng. Kết quả trúng thầu chỉ có 15 mặt hàng thuốc với tổng giá trị khoảng 800 triệu đồng; còn lại hơn 2/3 mặt hàng thuốc không trúng thầu, sẽ phải tổ chức đấu thầu lại. Nguyên nhân chủ yếu của việc các mặt hàng thuốc không trúng thầu vì một số thuốc khan hiếm, ngoài ra do giá thấp hơn so với giá thị trường ở thời điểm hiện tại.
Tại Hải Dương, một số mặt hàng đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu đã ảnh hưởng tới cơ sở y tế, dẫn đến thiếu thuốc cục bộ, ngắn hạn tại một số đơn vị.
Kết quả đấu thầu tại Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh năm 2023 (đợt 1), còn 482 danh mục thuốc không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu. Một số thuốc trúng thầu bị tạm dừng thanh toán bảo hiểm y tế do thành phần của thuốc được cấp số đăng ký không thống nhất với thành phần thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-BYT.
Tại nhiều địa phương, việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho vị thuốc cổ truyền theo Thông tư số 38/2021/TT-BYT gặp khó khăn, vướng mắc về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền. Trong khi đó, hiện không có nhiều vị thuốc cổ truyền được cấp giấy đăng ký lưu hành để tham dự đấu thầu thuốc...
Theo quy định, việc tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế được tổ chức ở cả 3 cấp: Ở cấp trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16-18% số lượng thuốc toàn quốc, còn lại là cấp địa phương và các cơ sở y tế chịu trách nhiệm trong mua sắm, đấu thầu. Báo cáo của 1.076 cơ sở y tế trên toàn quốc trong tháng 10/2023, có hơn 67% đơn vị đã đủ cung ứng đủ cho hoạt động khám chữa bệnh. Gần 39% đơn vị còn tình trạng thiếu cục bộ.
Ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế – - cho hay: Trung tâm thực hiện mua sắm thuốc generic nhóm 1 nhóm 2, còn địa phương và cơ sở y tế mua nhóm 3, 4 và nhóm 5, cơ sở y tế mua sắm theo danh mục và phải chủ động việc mua sắm đó để đáp ứng nhu cầu điều trị. Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia sẽ hoàn thành nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu thuốc khi gói thầu giai đoạn 2023-2024 kết thúc thì sẽ có thuốc gối vào giai đoạn đó.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Sở Y tế Bắc Ninh cho rằng, Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn hoạt động của Hội đồng khoa học kỹ thuật tại các cơ sở khám chữa bệnh; hướng dẫn đăng tải thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật; thống nhất danh mục trang thiết bị y tế chuyên dùng, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm…
Nhiều địa phương cũng mong muốn Bộ Y tế có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhanh chóng. Bởi một số mặt hàng thuốc không trúng thầu sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc, khan hiếm thuốc. Việc tổ chức đấu thầu lại mất nhiều thời gian, tốn kém.
Để có thể giải quyết triệt để vấn đề, Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo đề xuất trách nhiệm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng như trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc... cho các đơn vị.
Theo dự thảo, đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia - Đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia có trách nhiệm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc.
Kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, trừ thuốc kháng HIV kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS; thuốc điều trị lao kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của Bệnh viện Phổi Trung ương; vaccine kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Thời gian thực hiện thỏa thuận khung và thời gian thực hiện hợp đồng tối đa 36 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc và tiến độ cung cấp theo quý, năm.
Đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương: Đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương có trách nhiệm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế theo thông báo của đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương. Thời gian thực hiện thỏa thuận khung và thời gian thực hiện hợp đồng tối đa 36 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc và tiến độ cung cấp theo quý, năm.
Với các thuốc không do đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia và đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì cơ sở y tế có trách nhiệm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc; thời gian thực hiện hợp đồng tối đa 24 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc…
Theo dự thảo, trong thời gian tối đa 10 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu: Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, đơn vị mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu thuốc về Bộ Y tế.
Đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương, các cơ sở y tế thực hiện đấu thầu thuốc thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu đến Sở Y tế tỉnh, thành phố tại địa bàn. Các cơ sở y tế trực thuộc y tế ngành và cơ sở y tế khác báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu về cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Trong thời gian tối đa 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu của các đơn vị theo quy định, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, báo cáo về Bộ Y tế.
Trước ngày 15 tháng đầu tiên của quý, cơ quan quản lý y tế của các Bộ, ngành; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, đơn vị mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực có trách nhiệm tổng hợp và gửi báo cáo tình hình vi phạm của các nhà thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu, cung ứng thuốc trong quý trước liền kề của các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý theo quy định về Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) đối với tất cả các gói thầu; Cục Quản lý Dược đối với gói thầu thuốc generic, gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị; Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đối với gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, gói thầu vị thuốc cổ truyền, gói thầu dược liệu) để tổng hợp và công bố, làm cơ sở cho các đơn vị xem xét đánh giá, lựa chọn nhà thầu trong kỳ tiếp theo.
Bộ Y tế đã và đang đẩy nhanh tiến độ cấp gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường. Cùng với đó, các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Đấu thầu trong lĩnh vực y tế sẽ được xây dựng theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc.