Gỡ khó trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá được xác định không chỉ là một trong những giải pháp quan trọng để chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần tháo gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu mà còn nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mang lại thì các thiết bị GSHT cũng đang bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ.

 Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m -Ảnh: L.A

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m -Ảnh: L.A

Trao đổi với chúng tôi khi vừa trở về sau một chuyến đánh bắt dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, anh Nguyễn Thanh Thủy, thuyền trưởng tàu cá QT91036TS ở tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết, anh là một trong những chủ tàu đầu tiên lắp đặt thiết bị GSHT cho chiếc tàu cá xa bờ chiều dài 17,5m, công suất 410 CV chuyên khai thác nghề lưới vây rút chì và pha xúc của mình. Theo anh Thủy, trước đây, để báo cáo thông tin về Trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản, anh sử dụng thiết bị VX1700 có chức năng liên lạc tầm xa và tích hợp định vị vệ tinh GPS. Tuy nhiên, do sử dụng sóng HF nên thiết bị VX1700 chịu tác động rất lớn của thời tiết, thường bị lỗi khi nhắn tin, nhiễu sóng khi thời tiết xấu. Trong khi với thiết bị GSHT mới này, do sử dụng vệ tinh nên ít bị ảnh hưởng hơn. “Mỗi khi ra khơi tôi đều bật thiết bị GSHT này 24/24 giờ để cơ quan chức năng biết tàu cá của mình đang ở tọa độ nào, khi ra gần vùng biển giáp ranh với nước ngoài là có tín hiệu cảnh báo ngay. Đây cũng là cách để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mình”, anh Thủy khẳng định.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 160 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, toàn bộ 18 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đã lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị GSHT đúng thời gian quy định, đạt tỉ lệ 100%; đối với khối tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m đã có 142/348 chiếc lắp đặt thiết bị GSHT, chiếm tỉ lệ 40%. Nhờ lắp đặt thiết bị GSHT mà thời gian qua Chi cục Thủy sản đã kịp thời nhắc nhở nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân vượt qua ranh giới vào vùng biển nước ngoài. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, hằng ngày, thông qua hệ thống giám sát tàu cá, cán bộ của Chi cục Thủy sản nắm được tọa độ của từng tàu cá, kể cả tàu đang neo đậu trong bờ hay đang hoạt động trên biển. Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, dù đang cách nhau hàng trăm hải lý nhưng chỉ cần một cú nhấp chuột là mọi thông số như số hiệu tàu, chiều dài, công suất, tên chủ tàu, địa chỉ, số điện thoại, hiện đang ở kinh độ, vĩ độ nào đều hiện rõ trên màn hình. Do sử dụng sóng vệ tinh nên thiết bị GSHT có độ phủ sóng rộng, có thể liên lạc trong mọi điều kiện thời tiết. Khi các tàu cá tiến gần đến ranh giới, có khả năng vượt qua hải phận nước khác là trên hệ thống giám sát có tín hiệu cảnh báo để cán bộ Chi cục Thủy sản liên lạc, nhắc nhở tàu cá quay trở lại. Tàu nào cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào dữ liệu này để xử lý. Ngoài ra, thiết bị GSHT còn có khả năng nhận thông tin bão, áp thấp nhiệt đới; có nút nhấn SOS khẩn cấp khi tàu cá gặp sự cố…

Tuy đem lại hiệu quả rõ rệt, nhưng quá trình lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Theo quy định, các thiết bị GSHT phải đảm bảo chức năng tự động báo cáo vị trí về Trung tâm giám sát hành trình với tần suất 2 giờ/lần. Ngoài ra, một số thiết bị GSHT còn trang bị thêm tính năng hỗ trợ thông tin dự báo thời tiết, gửi báo động cấp cứu SOS hay thông báo vị trí tàu gặp sự cố, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Tuy nhiên, sau khi lắp đặt và sử dụng thiết bị, nhiều ngư dân phàn nàn, lo lắng về chất lượng thiết bị và các dịch vụ tiện ích được tích hợp trong các thiết bị GSHT.

Ngư dân Lê Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu cá QT-98039TS cho biết, tàu cá của anh hiện đang lắp đặt thiết bị GSHT do VNTP Vinaphone cung cấp. Thiết bị này sử dụng nguồn điện của tàu để hoạt động nên trong trường hợp tàu cá đang di chuyển, máy tàu đang hoạt động thì thiết bị hoạt động bình thường. Nhưng nếu máy tàu không hoạt động, thiết bị sẽ chuyển sang sử dụng nguồn điện từ bình ắc quy trên tàu và chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Việc này dẫn đến tàu cá của anh vi phạm quy định phải bật thiết bị 24/24 giờ khi ra khơi. “Thông thường, sau các mẻ lưới thì chúng tôi thường tắt máy, thả trôi tàu để anh em bạn thuyền nghỉ ngơi, vừa tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng giờ thì chúng tôi phải phân công nhau kiểm tra để đảm bảo nguồn điện cho thiết bị GSHT hoạt động”, anh Tuấn chia sẻ.

Còn ngư dân Hồ Văn Thà, chủ tàu cá QT-93636TS thì phản ánh chi phí lắp đặt và cước phí liên lạc của thiết bị GSHT quá cao, gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Theo anh Thà, mỗi thiết bị GSHTS có trị giá khoảng 25 triệu đồng và cước phí thuê bao 270.000 đồng/tháng. Ngoài ra, cước phí liên lạc cho mỗi cuộc gọi giao động từ 18.000 - 40.000 đồng/phút; 5.000 đồng cho 1 tin nhắn đi hoặc tin nhắn đến; 5.000 đồng cho 1 cuộc gọi đến cho dù không nghe máy. “Khi có cuộc gọi đến cho dù không nghe máy tôi vẫn phải mất tiền, các tin nhắn rác cũng thế, mà loại này thì rất nhiều. Từ khi lắp đặt thiết bị GSHT đến nay bình quân 1 tháng tôi phải trả gần 1 triệu đồng. Đây là một khoản tiền khá lớn đối với ngư dân chúng tôi trong khi ngư trường ngày càng bị thu hẹp, sản lượng đánh bắt giảm sút, giá cả các loại thủy sản xuống thấp do ảnh hưởng của COVID-19”, anh Thà nói.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, ngoài thiết bị Movimar được Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị cung cấp thiết bị GSHT cho tàu cá gồm: VNPT Vinaphone, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishippel), Viettel và Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh; trong đó nhiều nhất là của VNPT Vinaphone với hơn 107 tàu và Vishippel gần 50 tàu. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, theo đánh giá của ngư dân và cơ quan chức năng, bên cạnh những kết quả mang lại thì các thiết bị GSHT cũng đã bộc lộ những bất cập. Cụ thể, đối với thiết bị Movimar lắp đặt cho 18 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, qua quá trình sử dụng thường xuyên hư hỏng dẫn đến mất kết nối; đồng thời sau ngày 1/4/2020 các chủ tàu phải đóng phí sử dụng dịch vụ vệ tinh khá cao nên đã có 16 tàu chuyển sang lắp đặt các thiết bị của đơn vị cung cấp khác. Đối với thiết bị GSHT do VNPT Vinaphone cung cấp, do thiết bị phụ thuộc vào nguồn điện trên tàu nên ảnh hưởng không nhỏ đến duy trì kết nối tàu cá trên biển; thường xuyên bị lỗi không báo cáo được vị trí về hệ thống giám sát tàu cá. Đối với thiết bị GSHT của Công ty Vishippel thường bị lỗi cảnh báo SOS, tín hiệu vệ tinh… gây khó khăn trong công tác quản lý và trở ngại cho ngư dân. Bên cạnh đó, trừ các tàu đi khai thác ở vùng biển xa, còn lại hầu hết các tàu đi khai thác không tuân thủ nghiêm quy định bật thiết bị GSHT hoặc không duy trì hoạt động thiết bị 24/24 giờ từ khi rời cảng đi khai thác đến khi tàu về cảng. Ngoài ra, theo thống kê của Chi cục Thủy sản, hiện nay vẫn còn 206 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị GSHT; trong đó có 31 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên và có công suất lớn hơn 90CV, 175 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên và công suất nhỏ hơn 90CV.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, để tháo gỡ những vướng mắc trên, Chi cục Thủy sản đã yêu cầu các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT kiểm tra, khắc phục những lỗi kỹ thuật như gây mất kết nối, cảnh báo SOS không đúng quy định…; có tín hiệu để thuyền trưởng biết thiết bị GSHT gặp sự cố khi đang hoạt động trên biển; cung cấp các cảnh báo trực tiếp cho thuyền trưởng khi tàu mất kết nối, vượt ranh giới… để thuyền trưởng biết và thực hiện đúng quy định; đồng thời có xác nhận sự cố để ngư dân yên tâm sản xuất. Đề nghị chủ tàu trang bị thêm nguồn điện dự phòng. Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng trong việc kiểm tra xuất, nhập lạch; kiên quyết không cho ra khơi đối với 31 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đồng thời có công suất từ 90 CV trở lên nhưng chưa lắp đặt thiết bị GSHT. Riêng đối với khối tàu có chiều dài từ 15m trở lên nhưng công suất dưới 90 CV, Chi cục Thủy sản đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có giải pháp tháo gỡ do đây là khối tàu hoạt động ở vùng lộng từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thủy sản 2017 thì khối tàu này trở thành tàu cá hoạt động ở vùng khơi, không phù hợp với tập quán, quy mô sản xuất và năng lực của ngư dân, cũng như khả năng đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động ở vùng khơi. Hiện nay khối tàu này vẫn chủ yếu khai thác ở vùng lộng, ngư trường ven đảo Cồn Cỏ trở vào nên việc lắp đặt thiết bị GSHT trên khối tàu này là chưa hợp lý. Trong trường hợp các tàu cá này thực hiện cải hoán, nâng cấp để đủ điều kiện bảo đảm vươn khơi sản xuất thì mới bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân trong việc không vượt qua ranh giới vùng biển nước ngoài; bật thiết bị GSHT 24/24 giờ khi ra khơi. “Riêng đối với các tàu cá mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo nhưng vẫn cố tình đưa tàu hoạt động vượt ranh giới vùng biển cho phép; không bật và duy trì hoạt động thiết bị GSHT 24/24 giờ khi ra khơi, Chi cục Thủy sản đang hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính với mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng, đảm bảo tính răn đe”, ông Nam cho biết thêm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153546