Gỡ khó trong sản xuất, tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, tình trạng nông sản
Thời gian qua, tình trạng nông sản “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra, cùng với đó là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Sau Tết Nguyên đán, đi đến một số vùng trồng màu trong tỉnh, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều nông dân đã phải nhổ bỏ hoặc để mặc cà chua chín rũ ngoài đồng, không thu hoạch vì bán rẻ như cho. Ngay trên địa bàn thành phố Nam Định, giá bán cà chua chỉ có 1.500-2.000 đồng/kg; súp lơ 10 nghìn 4 cây. Tại Nghĩa Hưng, vụ đông xuân vừa qua, nông dân trồng khoảng 1.200ha cây rau màu vụ đông, trong đó có 480ha cây cà chua, tập trung chủ yếu ở các xã Nam Điền, Nghĩa Thành, Nghĩa Bình, thị trấn Quỹ Nhất. Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, giá rau màu, cà chua đều giảm nhanh, giảm sâu và có thời điểm không có người thu mua, trong khi diện tích cà chua đang trong thời kỳ thu hoạch còn trên 40%. Để chia sẻ với người nông dân, nhiều hộ dân ở thành phố Nam Định đã đứng ra thu mua sản phẩm, bán giúp cho người dân, song lượng tiêu thụ chỉ chiếm phần nhỏ so với sản phẩm làm ra. Không chỉ các sản phẩm rau, củ, quả mà nhiều thực phẩm khác như gà, vịt, cá cũng tiêu thụ chậm, giá cả bấp bênh. Chị Liên, một hộ nông dân ở xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) cho biết, trước khi có dịch COVID, gà được bán với giá 70 nghìn đồng/kg, đến nay giảm còn 50 nghìn đồng/kg, gọi thương lái đến mua cũng khó. Còn tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), một số hộ nông dân đã phải chọn cách hạn chế lượng thức ăn chăn nuôi do cá đạt trọng lượng yêu cầu và đã đến kỳ thu hoạch mà giá quá rẻ, không thể bán vì quá lỗ.
Thực tế cho thấy, việc tiêu thụ nông sản những năm qua còn gặp khó khăn là do sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng không đồng đều, nhiều sản phẩm chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu sự kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong tiêu thụ, thiếu thông tin định hướng thị trường. Phần lớn nông sản mới được tiêu thụ tại các chợ truyền thống, chưa được đưa nhiều vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể. Cùng với đó, do phụ thuộc vào yếu tố thời tiết nên sản lượng rau màu tập trung chủ yếu trong vụ đông xuân dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”. Chỉ riêng vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh trồng khoảng 12 nghìn ha cây rau màu. Còn đối với các loại thực phẩm gà, vịt, ngan, cá… phần lớn chưa gắn kết chăn nuôi với giết mổ, chế biến nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm.
Để gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, quy trình sản xuất hiện đại vào sản xuất. Các sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGap (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, gồm các tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc, truy tìm nguồn gốc sản phẩm) đã được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Tại nhiều địa phương, nông dân đã chủ động nắm bắt thông tin, tình hình về sản xuất, tiêu thụ nông sản, diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch, sản phẩm gia súc, gia cầm để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp. Nhiều hộ nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển sang sản xuất các sản phẩm có thị trường rộng mở hơn như ếch, cá chuối, lươn, ốc nhồi, chạch sụn... Các ngành liên quan cũng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình tổ, nhóm sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Liên minh HTX tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các thành viên HTX; hỗ trợ các HTX tiếp cận chính sách, hỗ trợ máy móc, thiết bị, nhà xưởng để nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ở các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại với hình thức đa dạng từ các hội chợ, sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bản thân các HTX cũng đã chủ động nỗ lực vươn lên, bám sát nhu cầu thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, bảo quản và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hộ liên kết; đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ gắn với chuỗi giá trị; phát triển sản phẩm OCOP, đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 70 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị; trên 30 sản phẩm của HTX được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao và 4 sao, chiếm trên 20% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh.
Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản./.
Bài và ảnh: Lam Hồng