Gỡ khó trong sáp nhập thôn, xã ở Quảng Trị. Bài 1: Chủ trương của Đảng, nguyện vọng của dân
Qua hơn hai năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đến nay công tác sáp nhập thôn, xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cơ bản hoàn thành, bước đầu cho thấy hiệu quả về kinh tế, xã hội, được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vào cuộc, làm tốt công tác vận động nhằm giải quyết hai vấn đề khó, đó là ổn định lòng dân và sắp xếp hợp lý công tác cán bộ sau sáp nhập.
Bộn bề tâm tư khi sáp nhập
Ngày 17/3/2020, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Ủy ban MTTQVN xã và các đoàn thể chính trị xã hội trong không khí vui tươi, phấn khởi. Từ đây, cái tên Kim Thạch sẽ đánh dấu cho một chặng đường phát triển mới của chính quyền và Nhân dân hai xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch (cũ) của huyện Vĩnh Linh.
Nhưng để có ngày hôm nay, trước đó là cả một câu chuyện dài. Còn nhớ, thời gian đầu mới nghe chủ trương sáp nhập, người dân xã Vĩnh Kim tâm tư đầy xáo trộn. Việc sáp nhập xã trở thành chủ đề bàn tán của người dân nơi đây bất cứ thời gian nào trong ngày. Đa phần người dân xã Vĩnh Kim không muốn sáp nhập bởi lâu nay, họ luôn tự hào với bề dày thành tích trong chiến tranh và trong thời kỳ đổi mới của xã mình như vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc máy cày hiệu Zeto25K; được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; Anh hùng Lực lượng vũ trang; một trong những xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới... Với người dân Vĩnh Kim, bề dày thành tích đó là do chính quyền và người dân nơi đây gây dựng, nên không muốn sáp nhập chung với xã khác. Sau khi người dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập thì lại nảy sinh một vấn đề khác, đó là không thống nhất được tên gọi của xã mới. Thạch Kim hay Kim Thạch trở thành vấn đề bàn luận của người dân hai xã trước khi có một tên gọi chung.
Chủ trương sáp nhập xã cũng khiến người dân hai xã A Xing, A Túc, huyện Hướng Hóa (nay sáp nhập thành xã Lìa) lo lắng. Bà Căn Môn, thôn Kỳ Nơi, xã A Túc chia sẻ: “Không chỉ riêng mệ mà cả gia đình, dòng họ ai cũng lo. Cái lo đầu tiên là “mất tên xã”, tiếc lắm. Rồi nhiều cái lo khác như dân xã khác có quý mình không, chính sách được hưởng từ trước có bị cắt không...”.
Trong quá trình sáp nhập thôn, khi được tuyên truyền sáp nhập với thôn Cổ Lũy và Ba Du theo Thông tư số 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thì gần 100% người dân thôn Đa Nghi, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng đồng thuận. Khi Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04 được ban hành, thì người dân lại được giải thích theo hướng thôn Đa Nghi không thuộc diện sáp nhập. Tuy nhiên, sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 21/NQHĐND về việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, khu phố và hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố dôi dư sau khi sắp xếp, sáp nhập thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng vẫn giữ nguyên chủ trương sáp nhập thôn Đa Nghi theo Thông tư số 09 vì theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030 huyện sẽ tiếp tục sáp nhập những thôn có quy mô dân số dưới 250 hộ dân (thôn Đa Nghi có 166 hộ dân). Trong quá trình triển khai thực hiện, xã căn cứ theo kết quả bỏ phiếu lấy ý kiến người dân lần đầu theo Thông tư 09 mà bỏ qua khâu giải thích để dân hiểu rõ hơn về vấn đề này. Người dân cho rằng cách làm của xã chưa thuyết phục, chưa thực sự dân chủ nên đồng loạt phản đối. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Vui (80 tuổi), là hội chủ được bầu từ 6 họ trong làng, cho rằng trong sâu thẳm người dân vẫn còn ít nhiều băn khoăn khi sáp nhập với hai thôn Cổ Lũy và Ba Du, dân số Đa Nghi ít hơn, cơ cấu đội ngũ cán bộ cũng sẽ ít hơn, dẫn đến người dân Đa Nghi bị thiệt về mặt quyền lợi.
Tuy nhiên, bộn bề những tâm tư, trăn trở, cả những nghi ngờ đó của người dân lần lượt được chính quyền địa phương tìm cách tháo gỡ.
Hiệu quả từ những lời xin lỗi dân
Mặc dù đã làm công tác tư tưởng cho dân trước đó nhưng lần bỏ phiếu thứ nhất, tỉ lệ người dân xã Vĩnh Kim đồng thuận sáp nhập với xã Vĩnh Thạch chỉ đạt 37%. Nguyên nhân được xác định là do những băn khoăn của người dân chưa được giải quyết thấu đáo, cách làm của huyện, của xã còn áp đặt, chưa vận động từ trên xuống.
Thôn Rooc có 67 hộ dân, là thôn có tỉ lệ phiếu đồng thuận thấp nhất xã, chỉ 15%. Ông Nguyễn Đức Điền, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thạch (trước là Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim) cho biết, Ban Thường vụ Đảng ủy xã triển khai công tác vận động từ đây. Sau khi nắm bắt tư tưởng của một số cán bộ vì sợ sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến vị trí việc làm nên không đồng ý, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý chung của người dân, phương châm vận động được đưa ra, đó là “cán bộ thông, dân mới thuận”. Xã phân công đảng viên về làm công tác tư tưởng cho cán bộ thôn trước, rồi tiếp tục giải thích cho người dân sau.
Tỉ lệ phiếu đồng thuận với chủ trương sáp nhập ở thôn Hương Bắc cũng rất thấp. Ông Nguyễn Đức Anh, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Hương Bắc đứng ra tuyên truyền, vận động người dân trong thôn nhưng lại không phải bắt đầu từ dân mà từ cán bộ của huyện, xã. Ông nói: “Tại các buổi làm việc, tôi thẳng thắn đề nghị cán bộ phải xin lỗi dân, sai đến đâu xin lỗi đến đó. Người dân Vĩnh Kim từ trước đến nay một lòng theo cách mạng, chỉ vì cách làm của cán bộ đôi khâu còn lỏng lẽo, dân mất niềm tin nên tỉ lệ đồng thuận không cao. Thậm chí, người dân Vĩnh Kim lúc đó còn lan truyền câu vè: “Mỗi đời mỗi lạ/Mỗi ông xạ (quan) mỗi khác”, để thể hiện sự hoài nghi của mình. Rất may, ý kiến của tôi được ghi nhận và thực tế cho thấy khi dân được xin lỗi thì việc tuyên truyền sẽ dễ dàng hơn”.
Với vai trò của mình, ông tuyên truyền trong hội viên người cao tuổi rằng: Cán bộ đã nhận sai, đã xin lỗi dân, nhiệm vụ của những người làm ông, làm bà như chúng ta là phải vận động con cháu hiểu đúng, hiểu đủ chủ trương của Đảng, của địa phương. Mỗi hội viên sau đó về giải thích cho con cháu trong gia đình. Tinh thần đồng thuận lan tỏa đến từng ngôi nhà, từng thôn trong xã.
Lần bỏ phiếu lấy ý kiến sau đó, tỉ lệ người dân xã Vĩnh Kim đồng thuận tăng cao. Chủ trương sáp nhập cơ bản được người dân đồng ý. Tuy nhiên, lúc này lại nảy sinh một vấn đề khác, đó là chưa thống nhất được tên gọi chung vì người dân hai xã đều muốn đưa tên xã mình lên trước. Huyện Vĩnh Linh đã tổ chức họp với cán bộ lãnh đạo hai xã, đưa ra giải pháp lấy một tên gọi mới là xã Bình Minh nhưng khi về phổ biến trong dân thì tên gọi mới này đều bị người dân phản đối. Lúc này, ông Nguyễn Đức Anh đưa ra quan điểm hết sức thuyết phục: “Nếu với cách làm này sẽ không bao giờ có được sự thống nhất về mặt tên gọi, cản trở tiến độ sáp nhập. Theo tôi, tên gọi mới phải được lựa chọn dựa trên yếu tố lịch sử chứ không nên theo cảm tính. Cái tên Kim Thạch cần được lựa chọn bởi các lý do sau: Trước đây, xã Vĩnh Kim và Vĩnh Thạch thuộc xã Vĩnh Tùng. Sau cải cách ruộng đất chia thành hai xã, một được gọi tên là xã Vĩnh Kim vì có Ấp Kim đông dân nhất; xã còn lại được đặt tên Vĩnh Thạch vì có làng Cổ Thạch đông dân nhất. Tuy nhiên, sau này toàn bộ làng Cổ Thạch sáp nhập vào thị trấn Cửa Tùng nên cái tên Kim Thạch, nếu được chọn xét về góc độ lịch sử sẽ thuyết phục hơn”. Quan điểm này của ông được huyện, xã tiếp thu, đưa ra giải thích tại các buổi họp dân ở xã Vĩnh Thạch (cũ) và được người dân đồng tình.
Ngày 16/12/2019, người dân thôn Đa Nghi ký vào đơn kiến nghị không đồng ý sáp nhập thôn gửi lên cấp trên. Nhận thức được tính chất quan trọng của vụ việc, huyện Hải Lăng đã thành lập tổ công tác về địa bàn nắm tình hình. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp đầu tiên được đưa ra là cán bộ huyện, xã phải xin lỗi người dân do thiếu sót trong quá trình lấy ý kiến về chủ trương sáp nhập; sau đó lấy Chi bộ thôn Đa Nghi làm gốc, phát huy trách nhiệm đi đầu của đảng viên trong công tác vận động. Phương pháp vận động được bà Trần Thị Thu, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Hải Lăng chia sẻ, đó là “đi tận ngõ, gõ tận nhà”. Theo đó, trong cùng một khoảng thời gian, hơn 160 hộ dân trong thôn đều được tổ công tác chia nhau về tận nhà giải thích cặn kẽ về Thông tư 14 và nhấn mạnh nội dung: Đối với các thôn, khu phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy định ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập để người dân hiểu sáp nhập thôn Đa Nghi là đúng với chủ trương. Trong quá trình vận động, một số hộ dân đồng ý rút đơn, tuy nhiên một số khác yêu cầu họp dân. Đáp ứng nguyện vọng đó, huyện đã mở một cuộc đối thoại với dân vào ngày 7/3/2020.
“Việc đối thoại trực tiếp với dân có ý nghĩa quyết định trong việc tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trước đó, vì vậy chúng tôi phải tranh thủ ý kiến của trưởng thôn, hội chủ, là những người có uy tín trong thôn để họ phát biểu tại cuộc họp. Những người này trước đó không đồng thuận với chủ trương sáp nhập, nay nếu họ đồng thuận thì sẽ tác động rất lớn đến người dân. Cá nhân tôi đã gặp ông Lê Đắc Lay, Trưởng thôn Đa Nghi, chia sẻ với ông rằng: “Thầy vốn là một đảng viên có tính phản biện cao, thông qua đó xã, huyện mới nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, hạn chế ở địa phương để có hướng xử lý kịp thời. Về vấn đề sáp nhập thôn, huyện mong muốn thầy ủng hộ chủ trương của Đảng, của địa phương để giải thích cho người dân hiểu, từ đó có sự đồng thuận cao”. Cùng với sự động viên của lãnh đạo huyện, xã, tại buổi họp dân, ông Lê Đắc Lay là người đứng lên phát biểu và rút đơn phản đối việc sáp nhập thôn đầu tiên. Tất cả các hộ dân còn lại đều lần lượt rút đơn”, bà Thu kể. Ông Nguyễn Hữu Vui cũng là một trong những người phát biểu tại cuộc họp dân. Ông nói: “Lúc đầu không hiểu nên chúng tôi ký vào đơn không đồng ý chủ trương sáp nhập thôn. Sau này hiểu ra, tôi giải thích cho bà con rằng nếu không sáp nhập năm này thì năm sau cũng phải sáp nhập. Bà con đừng băn khoăn cho nặng lòng vì Nhà nước lợi thì dân cũng được lợi”.
“Già làng nói, dân làng nghe”
Kỷ niệm về những ngày bám làng, bám bản vận động bà con dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở hai xã A Xing và A Túc đồng thuận với chủ trương sáp nhập xã khiến bà Hoàng Thị Hoa, chuyên viên Ban Dân vận Huyện ủy Hướng Hóa nhớ mãi. “Lần đó, vào nhà một người dân trong bản, chúng tôi được mời cà phê hòa tan và bánh kẹo nên khấp khởi mừng, nghĩ chuyện sẽ trôi tròn trước sự đón tiếp “trọng thị” của chủ nhà. Nhưng chưa kịp nói gì thì chủ nhà đã giải thích một mạch cho cán bộ biết vì sao người dân không đồng ý rồi kết luận: Bố là bố không bỏ phiếu vì... “mất cha, mất ông”.
Hay có người, gặp cán bộ là khẳng định: “Gia đình bố xưa đến nay một lòng theo cách mạng”. Chúng tôi tranh thủ luôn: Vậy bố ủng hộ chủ trương của Đảng bằng cách bỏ lá phiếu đi. “Không được, bố ở với con, con bố không bỏ thì làm sao bố bỏ được...”, bà Hoa kể. Mặc dù công tác vận động đã đi trước một bước, vậy nhưng khi các xã trên lấy ý kiến dân thì tỉ lệ đồng thuận rất thấp, với 101 lý do như trên.
Nhưng cái khó không làm chùn bước chân những người đi vận động vì nếu nản lòng thì không riêng gì việc sáp nhập mà tất cả những chủ trương, đường lối khác của Đảng, Nhà nước khó đến được với dân bản. Ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, cho biết: Trước tỉ lệ số người dân đồng ý sáp nhập quá thấp, huyện có chủ trương dừng công tác vận động vào thời điểm đó để tìm nguyên nhân. Chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi về phương pháp vận động tại sao không hiệu quả? Có nhiều nguyên nhân được xác định, trong đó có lý do quan trọng là chưa tranh thủ được tiếng nói của già làng, trưởng bản. Công tác vận động được bắt đầu từ già làng và người có uy tín trong các thôn bản với phương châm “Già làng nói, dân làng nghe”; đồng thời lựa chọn người đi vận động phải am hiểu phong tục và ngôn ngữ của dân bản.
Ông Hồ Ngọc Tình, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Việc chuyển tải thắc mắc hay mong muốn của dân bản phải thật chính xác, đòi hỏi người phiên dịch phải nghe kỹ, hiểu sâu. Người dân nói xong phải nghe lại đúng ý mình mới chịu”.
Thay đổi phương pháp vận động đã thay đổi kết quả bỏ phiếu. Già làng Ăm Mưa ở thôn Amôr, xã A Xing đã đồng ý đứng ra vận động dân bản. Thôn Amôr ban đầu chỉ có 8% người dân đồng ý sáp nhập xã; lần thứ 2 lấy ý kiến cũng chỉ có 3 phiếu đồng ý. Già Ăm Mưa sau khi thông suốt mọi vấn đề đã họp người đứng đầu của 12 họ trong thôn trước, sau đó mới tổ chức họp dân bản. Tại đây, ông lần lượt trả lời những vấn đề bà con còn thắc mắc:
-Trụ sở xã mới đặt ở xã A Túc, người dân xã A Xing đi bộ làm sao tới?
Trụ sở UBND xã Lìa chia làm hai cơ sở, trong đó cơ sở 2 ở xã A Xing nên trước bà con đi mấy bước chân, nay vẫn chừng đó bước.
-Sáp nhập vào với nhau, dân xã A Túc có xa lánh dân bản mình không?
Chúng ta đều là con cháu Bác Hồ nên sẽ không có sự chia rẽ, mất đoàn kết giữa người dân xã này với xã khác.
-Truyền thống anh hùng và phong tục của người Pa Kô liệu có mất đi không?
Sáp nhập đơn vị hành chính không có nghĩa là văn hóa của người Pa Kô bị mai một mà dù ở đâu, người Pa Kô cũng sẽ gìn giữ phong tục tập quán của dân tộc mình. A Xing là xã anh hùng thì Lìa cũng sẽ là xã anh hùng. Những người con Pa Kô hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước thì mãi ở trong trái tim của người Pa Kô.
Lần bỏ phiếu cuối cùng, trên 70% người dân thôn Amôr đồng ý sáp nhập xã (không tính những người dân đi làm ăn xa). Không chỉ ở Amôr, tinh thần đồng thuận còn lan rộng sang những thôn, bản khác của hai xã A Túc, A Xing. Ngày 19/3/2020, xã Lìa chính thức được thành lập.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147470