Gỡ khó trong thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, qua 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019) đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình mới, công tác PCTN được thực hiện quyết liệt theo chủ trương 'Không có vùng cấm, không có ngoại lệ'.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp định kỳ để chỉ đạo xử lý công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Ảnh: T.Danh

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp định kỳ để chỉ đạo xử lý công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Ảnh: T.Danh

Nhiều kết quả tích cực

Theo Thanh tra Chính phủ, qua 5 năm triển khai, Luật PCTN năm 2018 đã có nhiều tác động đến công tác PCTN. Trong đó, việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đã có chuyển biến tích cực; đã kịp thời công bố, công khai thông tin về những vụ việc dư luận xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN được công khai theo quy định của pháp luật.

Sau 5 năm thực hiện Luật PCTN năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hơn 54 ngàn văn bản; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hơn 15 ngàn văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; tiến hành hơn 36 ngàn cuộc kiểm tra, phát hiện 1,9 ngàn vụ việc và hơn 2,6 ngàn người vi phạm, đã xử lý 788 người, kiến nghị thu hồi hơn 483 tỷ đồng; chuyển đổi vị trí công tác cho hơn 235 ngàn người nhằm phòng, ngừa tham nhũng.

Đặc biệt, đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, trong thời gian qua, ngành thanh tra trên toàn quốc đã triển khai hàng chục ngàn cuộc thanh tra hành chính và hơn 935 ngàn cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế. Toàn ngành thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hơn 34 ngàn kết luận và quyết định xử lý về thanh tra.

Tại Đồng Nai, báo cáo của UBND tỉnh xác định, qua 5 năm thực hiện Luật PCTN năm 2018, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện kịp thời. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các nội dung: công khai, minh bạch trên các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hành...

Bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Luật PCTN năm 2018, các ngành chức năng cũng đã phát hiện một số khó khăn, bất cập, tồn tại cần tìm cách tháo gỡ.

Theo UBND tỉnh, quá trình thực hiện Luật PCTN năm 2018 vẫn còn gặp những vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn. Trong đó, việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã làm công tác địa chính, tư pháp, viên chức làm công tác kế toán của các trường học còn có những bất cập.

Cụ thể, qua thực tiễn cho thấy, công chức làm công tác địa chính cần có thời gian để nắm rõ địa bàn, nguồn gốc đất đai... mới giải quyết tốt công việc. Thế nhưng, theo quy định, các cán bộ này phải chuyển đổi ví trí công tác và phải đổi địa bàn công tác dẫn đến việc nắm tình hình địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tương tự, công chức làm công tác tư pháp cũng phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định nên việc nắm rõ vùng, địa phương, thành phần dân tộc, tập quán... để hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCTN năm 2018 còn có những quy định chưa rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có văn bản hướng dẫn, dễ dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng luật.

Như tại Điều 20 Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30-10-2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy định xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn rõ việc xác định người kê khai tài sản, thu nhập như thế nào là “không trung thực”. Trong cuộc sống có những tình huống phát sinh mà luật chưa quy định rõ nên cũng còn chưa thống nhất khi xử lý. Ví dụ như trường hợp 2 vợ chồng ly thân, tài sản của vợ hoặc chồng không thông báo cho nhau khi kê khai tài sản.

Ngoài ra, còn có các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định về cấp có thẩm quyền trong việc kiểm soát tài sản đối với cán bộ có chức vụ giữa Luật PCTN năm 2018 và các quyết định, quy định của các cơ quan chức năng khác.

Trước những bất cập, vướng mắc đó, UBND tỉnh đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu tham mưu Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung để thống nhất quy định giữa Luật PCTN năm 2018 và các văn bản quy định khác về công tác PCTN. Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập và sớm ban hành hướng dẫn quy trình, thủ tục, nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập để các cơ quan kiểm soát thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu sửa đổi quy định việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã phụ trách các lĩnh vực địa chính, tư pháp, viên chức làm công tác kế toán trường học để phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN năm 2018 diễn ra ngày 24-12-2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN cần lưu ý đến nguyên nhân về cơ chế chính sách. Như Luật PCTN năm 2018 vẫn còn những nội dung chưa phù hợp, hạn chế, bất cập, chẳng hạn như quy định về hoạt động của tổ chức; quy định về chuyển đổi vị trí công tác; quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập...

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị các ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực. Trong đó, vừa coi trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, vừa quyết liệt, nghiêm minh trong đấu tranh PCTN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tiêu cực. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác phối hợp trong kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, kiểm sát… trong công tác PCTN.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202501/go-kho-trong-thi-hanh-luat-phong-chong-tham-nhung-9514cbd/