Gỡ khó trong xử lý rác thải sinh hoạt
Không chỉ ô nhiễm môi trường từ những bãi rác tự phát ven quốc lộ, ngay cả bãi rác được quy hoạch để làm bãi tập kết rác thải khu dân cư cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Xử lý rác thải nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương ở tỉnh Phú Thọ. Mặc dù tỉnh có nhiều giải pháp nhưng bài toán thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nỗi lo ô nhiễm môi trường từ bãi tập kết rác thải
Chạy dọc Quốc lộ 2 từ thành phố Việt Trì lên huyện Đoan Hùng, nhiều bãi rác thải tự phát với đủ các loại rác được đựng trong những bao tải, túi nylon chất từng đống ven đường. Rác để lâu không được thu gom, xử lý bốc mùi hôi thối.
Có mặt tại Khu 2, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, hai bên Quốc lộ 2 rác chất từng đống. So với một số điểm tập kết rác tự phát, đây là vị trí rác, người dân và các phương tiện tham gia giao thông bỏ nhiều nhất. Mặc dù, tại đây được cắm biển cấm đổ rác nhưng rác thải vẫn tràn lan.
Theo lãnh đạo xã Yên Kiện, tại xã có vị trí tập kết rác thải, người dân địa phương tích cực xử lý rác tại nguồn nên lượng rác không đáng kể. Tuy nhiên, bãi rác tự phát ven quốc lộ đoạn qua Khu 2, có nhiều người dân nơi khác khi đi làm qua tiện bỏ rác xuống mà thành. Dù xã đã cắm biển cấm nhưng họ không chấp hành, rất khó ngăn chặn. Không chỉ thế, chính những phương tiện khi tham gia giao thông tiện tay bỏ rác tại khu vực này, dẫn đến rác ngày càng nhiều.
Không chỉ ô nhiễm môi trường từ những bãi rác tự phát ven quốc lộ, ngay cả bãi rác được quy hoạch để làm bãi tập kết rác thải khu dân cư cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Đinh Tiến Cầu (khu Gò Hèo, xã Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê) cho hay, bãi rác tại khu Xóm Cánh, xã Sơn Tình tiếp giáp khu Gò Hèo được quy hoạch làm bãi tập kết rác từ năm 2018 và không có chức năng, nhiệm vụ xử lý nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân sống gần khu vực này.
Ông Cầu chia sẻ thêm: Mỗi ngày có khoảng 3-4 lượt xe rác vận chuyển về bãi rác này, mùi hôi thối bốc ra nồng nặc, ruồi muỗi nhiều. Nghiêm trọng hơn, thời gian gần đây, người dân luôn phải sống trong tình trạng khói mù mịt, đen kịt, nồng nặc mùi hôi khi rác cháy và âm ỉ suốt ngày đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân...
Về việc đốt rác tại bãi tập kết, lãnh đạo xã Sơn Tình cho biết, xã tuyên truyền người dân chủ động phân loại rác thải tại nguồn, tránh để rác thải hỗn tạp tập kết về bãi rác như hiện nay và khuyến khích các hộ dân sống gần khu vực nếu phát hiện đối tượng đốt bãi rác thông báo cho chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt, xử lý. Hiện, xã Sơn Tình tạm dừng hoạt động tập kết, yêu cầu các hộ dân xử lý ngay tại nhà. Đối với những loại rác có thể xử lý được thì xử lý luôn, những loại rác không xử lý được yêu cầu tập kết một chỗ, chờ cơ quan chức năng đưa đi xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh…
Thực tế, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ có triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở nông thôn, khu dân cư tình trạng đổ rác bừa bãi thường xuyên xảy ra, dần dần tạo thành đống rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Nỗ lực gỡ khó
Để giải bài toán rác thải sinh hoạt, tỉnh Phú Thọ xây dựng Đề án Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh phấn đấu tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung tại tỉnh đạt từ 70% (về khối lượng) trở lên theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đảm bảo đáp ứng khối lượng rác cho Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Trạm Thản tối thiểu 400 tấn/ngày trong hai năm đầu đi vào hoạt động và 500 tấn/ngày những năm tiếp theo.
Theo đó, tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng Nhà máy đảm bảo tiến độ, sớm đi vào hoạt động. Khi nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện với công suất giai đoạn 1 là 500 tấn rác thải/ngày đi vào hoạt động giải quyết căn bản rác thải sinh hoạt và một số rác thải công nghiệp thông thường trên toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Bá Thọ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, giai đoạn 2016-2020, kinh phí đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh là gần 282 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương gần 28 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 85 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 53 tỷ đồng, ngân sách xã 1,64 tỷ đồng và nguồn thu phí, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác gần 114 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, dự toán kinh phí thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên 714 tỷ đồng. UBND tỉnh bố trí kinh phí gần 4 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, khoanh vùng khu vực chôn lấp rác thải trơ tại Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì ở phường Vân Phú...
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-kho-trong-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat/357369.html