Gỡ khó về đổi mới giảng dạy ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm tháo gỡ khó khăn, thách thức về đổi mới giảng dạy ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài.
Đây là sự kiện thiết thực nhân kỉ niệm 25 năm hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa 2 trường. Hội thảo nhằm kết nối các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy tiếng Pháp tại Bỉ và Việt Nam. Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm đổi mới giảng dạy trước những thách thức mới. Đồng thời đưa ra những đề xuất thiết thực, thúc đẩy đổi mới trong giảng dạy ngoại ngữ nói chung và giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam nói riêng.
Trong hai ngày 14 – 15/4, Trường ĐH Hà Nội và ĐH Louvain - Vương quốc Bỉ phối hợp tổ chức Hội thảo ‘Thách thức và đổi mới phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, văn hóa nước ngoài: Kinh nghiệm của Bỉ và Việt Nam’.
Tham dự hội thảo có 10 Giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu của ĐH Louvain trong lĩnh vực ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy. Họ đến Việt Nam trong khuôn khổ dự án hợp tác song phương về đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ Pháp và Biên phiên dịch Pháp ngữ.
Về phía Việt Nam có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện các đơn vị thuộc trường Đại học Hà Nội, các giảng viên và sinh viên Khoa tiếng Pháp, học viên sau đại học ngành Ngôn ngữ Pháp và giảng viên, nghiên cứu viên từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Ngoài ra còn có đại diện Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam với vai trò nhà tài trợ cho các dự án hợp tác giữa 2 trường trong 25 năm qua, cùng đại diện của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF), Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn và báo chí.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội – nhấn mạnh, Hội thảo đánh dấu mối quan hệ hợp tác xuyên suốt và tình hữu nghị sâu sắc giữa hai trường trong 20 năm qua. Chương trình đào tạo thạc sĩ Ngôn ngữ Pháp liên kết giữa Trường ĐH Hà Nội và ĐH Louvain được thành lập năm 2010. Đây là chương trình song bằng đầu tiên và duy nhất vào thời điểm đó tại Việt Nam.
Trong vòng 12 năm, chương trình đã đào tạo 85 sinh viên Việt Nam và đón 7 sinh viên Bỉ tới Trường ĐH Hà Nội thực tập và thực hiện khóa luận tốt nghiệp. Tiếp nối thành công của chương trình thạc sĩ liên kết, hai trường đã mở chương trình đào tạo tiến sĩ liên kết vào năm 2013 và đã đào tạo 8 nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Nhấn mạnh vào thách thức về công nghệ đặt ra cho việc giảng dạy ngoại ngữ ; ông Constantino Maeder và ông Thomas François - Giáo sư ĐH Louvain, điều phối chương trình thạc sĩ liên kết – nhìn nhận, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo lên ngôi, những thay đổi về kỳ vọng của người học và kỹ năng cần giảng dạy tất yếu thay đổi.
Hai chuyên gia bày tỏ, Việt Nam như nhân tố chính trong quá trình chuyển mình về công nghệ tại khu vực. Bối cảnh địa lý phù hợp để thảo luận về tác động của công nghệ lên giảng dạy nói chung và giảng dạy ngoại ngữ nói riêng.
Bà Vũ Thị Thùy Dương - Thư kí thứ nhất, đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam – khẳng định, hội thảo là thành quả của mối quan hệ hợp tác bền vững và chặt chẽ Dự án hợp tác song phương về đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ Pháp và Biên phiên dịch Pháp ngữ. Đây là niềm tự hào to lớn của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai trường và hai nước.
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề như: Lý thuyết giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa; Dạy và học ngoại ngữ; Giảng dạy văn học và văn hóa nước ngoài (lý luận văn học, lịch sử văn học, văn học so sánh, nghiên cứu văn hóa và liên văn hóa, giao tiếp liên văn hóa...). Những đóng góp của ngôn ngữ học đương đại vào giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa (ngôn ngữ học ngữ liệu, ngôn ngữ học tính toán, ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ học đối chiếu, v.v.).
Hội thảo cũng có phần trình bày tham luận từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia và giảng viên trong và ngoài nước bằng ngôn ngữ Pháp. Các tham luận có chất lượng cũng sẽ được gửi đăng trong bộ sách Transcultural Studies - Interdisciplinary Literature and Humanities for Sustainable Societies của NXB Peter Lang.