Gỡ khó về hạ tầng để phát triển nuôi trồng thủy sản

Hà Tĩnh có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản và đây là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, đê bao, hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước... phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu.

Muốn thâm canh nhưng... thiếu điện

Xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) có hơn 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản nhưng đa phần chưa có lưới điện, những nơi có lưới điện thì cũng đã xuống cấp. Dọc vùng nuôi tôm xã Tượng Sơn, những nơi có điện chủ yếu gần khu dân cư, đường dây điện quanh hồ tôm chằng chịt, được treo tạm bợ trên những chiếc cọc gỗ, không bảo đảm quy cách về an toàn điện... Vào mùa mưa bão, hệ thống điện tại các hồ nuôi tôm này có nguy cơ mất an toàn và xảy ra tai nạn về điện là rất cao. Được biết, ngành điện đã khảo sát để nâng cấp lưới điện, nhưng hiện vẫn chưa triển khai, còn người dân thì đang trông chờ lưới điện mới nên chưa mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. Anh Phan Văn Anh, chủ một hồ tôm tại xã Tượng Sơn cho biết: “Địa bàn chưa có lưới điện nên chúng tôi muốn nuôi tôm thâm canh công nghệ cao thì phải tự đầu tư lưới điện, xây dựng trạm hạ áp nên sẽ gia tăng chi phí đầu tư. Trước đây, với hình thức nuôi tôm quảng canh thì nguồn điện phục vụ sản xuất chưa phải là thiết yếu, nhưng từ khi chuyển đổi sang nuôi tôm thâm canh công nghệ cao thì nguồn điện là yếu tố tiên quyết để bảo đảm năng suất đối với hình thức nuôi trồng này”.

Toàn xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh) có 220ha nuôi trồng thủy sản, chia thành 4 vùng nuôi tôm nhưng hầu như chưa có lưới điện chuyên dùng phục vụ sản xuất. Người dân phải kéo điện sinh hoạt từ gia đình ra đầm nuôi để sử dụng. Những vùng xa khu dân cư thì phải dùng máy phát điện. Đây là lý do khiến việc nuôi trồng thủy sản tại địa phương này chỉ bó hẹp ở hình thức quảng canh, không thể chuyển đổi qua hình thức thâm canh công nghệ cao.

Anh Phan Văn Anh (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) phải tự đầu tư lưới điện khi nuôi tôm thâm canh.

Anh Phan Văn Anh (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) phải tự đầu tư lưới điện khi nuôi tôm thâm canh.

Ông Phạm Đình Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ cho biết: “Địa bàn xã có vị trí địa lý thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên do thiếu hệ thống điện lưới nên người dân còn ngần ngại mở rộng quy mô. Việc dùng máy phát điện vừa khiến tăng chi phí đầu vào, lại không đủ công suất khi sử dụng thời gian dài, thế nên không thể chủ động trong duy trì quy trình nuôi”.

Hệ thống giao thông, dẫn nước chưa đồng bộ

Bên cạnh khó khăn về hệ thống điện lưới thì hạ tầng đường giao thông, kênh mương tưới tiêu, cống thoát nước trong hầu hết khu vực nuôi trồng thủy sản cũng đã xuống cấp, hư hỏng, làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh.

Tìm hiểu chúng tôi thấy, tại xã Kỳ Thọ, các tuyến đê bao ở đây được đào đắp từ những năm 70-80 của thế kỷ trước và đang xuống cấp nghiêm trọng. Sau các đợt mưa lũ mấy năm gần đây, những tuyến đê bao này đã bị xói lở nhiều đoạn. Đê bao hỏng khiến không ngăn được các đợt triều cường, khiến nhiều vùng nuôi trồng thủy sản bị ngập, gây thiệt hại lớn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Thanh, Trưởng thôn Sơn Tây, xã Kỳ Thọ cho biết: “Các tuyến đê bao vừa có tác dụng bảo vệ, ngăn mưa lũ, vừa làm đường giao thông. Tuy nhiên, các tuyến đê chủ yếu vẫn là đường đất nên mỗi mùa mưa lũ đều bị sạt lở, gây thiệt hại cho bà con. Mặt khác, do đường khó đi lại nên việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi đến đầm hoặc khi thu hoạch sản phẩm, xe cơ giới không vào được tận nơi để vận chuyển hàng, phải vận chuyển kiểu “tăng bo” vừa mất thời gian, vừa ảnh hưởng đến chất lượng của thủy sản”.

Xã Kỳ Hải cũng là một trong những vựa nuôi trồng thủy sản của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị nuôi trồng thủy sản cao gấp nhiều lần trồng lúa nên nhiều người dân chuyển đổi, nhận thầu các bãi đất ven sông, ven biển để nuôi tôm, cá, các loại nhuyễn thể. Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh) thông tin: “Toàn xã có 178ha nuôi trồng thủy sản, trong đó mới chỉ có 25ha hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện, đê bao. Số còn lại chưa được đầu tư nâng cấp nên vẫn tạm bợ”.

Đánh giá thực trạng về các khu vực nuôi trồng thủy sản của Hà Tĩnh, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: "Hiện nay, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản tại Hà Tĩnh nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước phục vụ nuôi tôm thâm canh công nghệ cao. Để bảo đảm điều kiện cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển, thời gian tới, địa phương cần có một quy hoạch tổng thể, chi tiết về xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng phát triển thủy sản. Chúng tôi cần có nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi, các dự án dịch vụ hậu cần nghề nuôi, nâng cấp đê bao, cống chính, khu vực xử lý nước thải, ao nuôi theo quy chuẩn, kênh mương cấp thoát nước đồng bộ... Để giải quyết vấn đề này, trước hết các địa phương thuộc tỉnh cần chủ động trong tham mưu, đồng thời ban hành những chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương, linh hoạt, chủ động huy động nguồn vốn trong dân và các tổ chức kinh tế để đầu tư vào hệ thống hạ tầng thì mới đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản của địa phương".

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-ve-ha-tang-de-phat-trien-nuoi-trong-thuy-san-692814