Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp du lịch
Mong muốn của doanh nghiệp du lịch hiện nay là cơ chế, chính sách thông thoáng để dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ
Sau những "cú đấm bồi" liên tiếp của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) du lịch trụ lại trên thị trường đến thời điểm này vẫn chưa hết khó khăn. Họ rất cần các gói hỗ trợ khẩn cấp nhằm tháo gỡ về vốn, chính sách.
Đau đầu bài toán vốn
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Golden Smile, cho biết trên đường Hoa Lan (quận Phú Nhuận, TP HCM), trước dịch Covid-19 có khoảng 5-6 công ty du lịch nhưng đến nay chỉ còn duy nhất công ty của ông mở cửa. Song, công ty của ông phải làm thêm một số nghề khác nhau, từ in ấn, phim ảnh, sự kiện và cả bán quán cà phê… để duy trì mảng du lịch.
"Vốn là một trong những vấn đề khó khăn của DN, khi tài chính gần như kiệt quệ sau các đợt dịch. Một số khoản vay thế chấp chưa trả được, chúng tôi vẫn phải vay tín chấp với lãi suất cao để có tiền trang trải. Cuối năm, DN nào cũng phải báo cáo thuế, báo cáo tài chính về hoạt động kinh doanh, muốn vay tiếp NH phải có doanh thu, có dòng tiền… mà tình hình hiện nay thì khó quá" - ông Phương nêu thực trạng.
Theo các DN du lịch, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, hầu hết chỉ có doanh thu vào tháng 6 và 7 - thời điểm dịch bệnh tạm lắng, người dân yên tâm đi du lịch hè. Những thời gian còn lại, DN chỉ hoạt động cầm chừng, trong khi bộ máy vẫn cần nguồn lực để duy trì… Không ít DN phải dùng tài sản cá nhân là nhà cửa của gia đình để đem thế chấp, vay vốn "nuôi" nhân viên, duy trì hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nêu một khó khăn khác là du khách chưa trở lại nhiều. Do vắng khách nên DN chưa có nhiều doanh thu để duy trì hoạt động bình thường. Với những DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ, họ có thể đóng cửa dễ hơn nhưng với DN có hệ thống chi nhánh, mạng lưới rộng khắp cả nước, đội ngũ nhân sự lớn… thì hoàn toàn không dễ. Saigontourist có khoảng 1.200 cán bộ, nhân viên, 18 chi nhánh trên cả nước và thương hiệu bao nhiêu năm qua nên buộc phải duy trì hoạt động dù khó đến đâu.
"Với thị trường khách, khi chưa có dịch, chúng tôi kinh doanh cả 3 mảng là khách nội địa, khách quốc tế tới Việt Nam (inbound) và khách Việt ra nước ngoài (outbound) nhưng từ khi có dịch đến giờ chỉ đón khách nội địa… Phân khúc khách nội địa tăng trưởng tốt cũng chỉ đáp ứng được 30% doanh thu, trong khi DN phải duy trì cả bộ máy" - ông Yên phân tích.
Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Ông Trương Quang Cường, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Du thuyền Việt Princess, cho hay những DN khai thác khách du thuyền có tài sản cố định rất lớn. Mỗi con tàu trị giá khoảng 60 tỉ đồng, trước đây DN có thể mang đi thế chấp vay vốn rất dễ. Tuy nhiên, từ khi có dịch đến giờ, 3 tàu du lịch chuyên đón khách quốc tế từng chiếm khoảng 85% doanh thu của DN phải nằm chờ, muốn đem thế chấp vay vốn nhưng ngân hàng không nhận.
"Chúng tôi có 4 con tàu du lịch, trừ khấu hao, giá trị còn khoảng 180 tỉ đồng nhưng không thể thế chấp để vay vốn. Trong khi đó, những chiếc tàu này hằng tháng vẫn phải tốn chi phí duy trì, bảo dưỡng, trả phí neo đậu, đăng kiểm hằng năm…" - ông Cường cho biết.
Trong bối cảnh DN gặp khó do tác động của đại dịch, nhà nước đã ban hành không ít chính sách hỗ trợ. Nhưng thực tế, những gói hỗ trợ này chưa tới tay được DN du lịch, như gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ cho DN vay trả lương cho người lao động ngừng việc 16.000 tỉ đồng… Mới đây, TP HCM thông tin về gói tín dụng 4.000 tỉ đồng hỗ trợ các DN vượt khó trong dịch Covid-19 nhưng DN du lịch chưa dám trông đợi nhiều.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM, đến nay, mới có khoảng 453 cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm giá điện; 600 hướng dẫn viên du lịch nhận được gói hỗ trợ; 21 DN được hỗ trợ giảm phí, lệ phí. Một số DN được ân hạn, giảm lãi vay nhưng số này không nhiều do phần lớn DN du lịch không có tài sản thế chấp…
Trao đổi với Báo Người Lao Động, nhiều DN trong ngành du lịch cho rằng câu chuyện không hẳn là bao nhiêu gói hỗ trợ, lãi suất ưu đãi chừng nào mà quan trọng là khả năng tiếp cận của DN đến đâu, thủ tục thế nào để có thể sớm tiếp cận nhất.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho rằng một trong những vướng mắc lớn nhất cần cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ để tiếp sức cho DN là về cơ chế. Ngay như kiến nghị của DN xin được mượn lại tiền ký quỹ (DN lữ hành nội địa 100 triệu đồng, DN lữ hành quốc tế 500 triệu đồng) để có nguồn tiền trang trải… nhưng đến giờ, mong muốn này vẫn chưa được đáp ứng.
"Mỗi DN lữ hành quốc tế đang ký quỹ 500 triệu đồng, vậy hàng ngàn DN ở phân khúc này trên cả nước sẽ là bao nhiêu? DN cần sớm được gỡ khó về cơ chế, bắt đầu từ những kiến nghị như thế này" - bà Khánh đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết thời gian qua, các sở, ngành trên địa bàn TP đã phối hợp, tham mưu cho UBND TP triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ hỗ trợ các DN bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, trong đó có lĩnh vực du lịch. Mới đây là gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng, dự kiến lãi suất 0% cũng đang được xúc tiến.
"Trước những khó khăn trong quá trình tiếp cận những gói hỗ trợ, các sở, ngành, trong đó có Sở Du lịch TP, đã tập hợp những bất cập để trình UBND TP HCM tiếp tục kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, nhằm giúp quy định dễ đi vào cuộc sống hơn" - bà Hoa nhấn mạnh.
Thời gian tới, Sở Du lịch TP HCM sẽ tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19 trong ngành du lịch; hỗ trợ DN du lịch vượt qua khó khăn thông qua giải pháp kích cầu, tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu nguồn nhân lực và xây dựng nền tảng chuyển đổi số; thường xuyên lắng nghe ý kiến của các DN du lịch, chuyên gia để tiếp tục tham mưu, kiến nghị các chính sách, giải pháp hỗ trợ.
Ngày 23-12, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Kết nối DN du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách” nhằm ghi nhận, lắng nghe ý kiến từ các DN du lịch, cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng thương mại trong câu chuyện giải bài toán vốn, chính sách để DN du lịch sớm phục hồi.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/go-kho-ve-von-cho-doanh-nghiep-du-lich-20201222220412011.htm