Gỡ khúc mắc bản quyền giống để tránh hệ lụy cho xuất khẩu rau quả

Trong khi có những tranh cãi quanh vấn đề 'độc quyền' giống thanh long ruột đỏ LĐ1 thì chuyện bản quyền về giống sầu riêng Việt Nam lại được đặt ra khi xuất khẩu đang 'nóng'. Những khúc mắc về bản quyền giống cần có sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý trong việc sớm tháo gỡ các vướng mắc nhằm tránh hệ lụy tiêu cực cho xuất khẩu rau quả.

Trước vấn đề “nóng” như vậy, vào ngày 16/2, tại Tp.HCM, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức buổi họp “thông tin về giống thanh long ruột đỏ LĐ1) nhằm nắm bắt thông tin về sản xuất giống thanh long ruột đỏ LĐ1 tại các địa phương, những thuận lợi và khó khăn khi XK.

Không lơ là bản quyền

Trước bối cảnh quả sầu riêng của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu (XK) chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và cạnh tranh trực tiếp với đối thủ lớn nhất là sầu riêng Thái Lan, có không ít ý kiến bày tỏ mối quan tâm về bản quyền giống, chuyện “Việt hóa” giống sầu riêng để tránh những rắc rối về sau.

Ở góc nhìn của Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng đây cũng là vấn đề mà các cơ quan quản lý cần lưu tâm, nhất là chú trọng đến việc đăng ký bản quyền giống sầu riêng tại Việt Nam.

Những khúc mắc về bản quyền giống cần có sự tham gia tích cực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các vướng mắc nhằmtránh hệ lụy tiêu cực cho xuất khẩu rau quả.

Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyên cho biết tuy phía thị trường Trung Quốc chưa đòi hỏi, yêu cầu gì về bản quyền giống đối với quả sầu riêng, nhưng với thị trường một số quốc gia khác thì vẫn có. Cho nên, xét về lâu dài, chuyện đăng ký bản quyền hay bảo hộ giống đối với quả sầu riêng là cần phải làm.

Thực ra, để vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế và vừa bảo vệ thương hiệu cho XK sầu riêng của Việt Nam thì trước đây cũng có một số doanh nghiệp (DN), địa phương, cơ sở cây giống đã đăng ký quyền bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho giống sầu riêng mà họ trồng.

Điển hình như Công ty Cổ phần phát triển công nghệ sinh học (tên giao dịch DONA-TECHNO) từ năm 2020 đến 2021 đã thực hiện đăng ký và được cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu sầu riêng “DONATECHNO” ở 6 nước bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Còn hồi năm rồi, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Krong pac Durian - Sầu riêng Krông Pắc” cho sản phẩm sầu riêng của huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Trước đó, năm 2020 Cục Sở hữu trí tuệ có cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00080 cho sầu riêng Cái Mơn ở Bến Tre.

Hoặc như giống sầu riêng Sáu Ri (còn gọi là Ri 6) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu từ năm 2002. Theo ước tính cả nước hiện có hàng triệu cây sầu riêng Ri 6 được trồng. Trong đó, tính riêng cơ sở sản xuất giống sầu riêng Sáu Ri (ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) mỗi năm sản xuất và cung cấp 30.000 - 50.000 cây giống sầu riêng Ri 6. Cơ sở này cũng đặt chân rết tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, miền Trung để cung cấp giống.

Hay như đối với giống thanh long ruột đỏ đang gặp vấn đề khi XK vì một số thị trường yêu cầu bản quyền giống. Theo quan điểm của vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với trái thanh long ruột đỏ đã có bản quyền giống, DN đã bỏ tiền ra để mua bản quyền, mua công trình nghiên cứu giống đó và đã đăng ký rồi. Vì vậy, việc giải quyết cho những trường hợp khác sử dụng giống đó để XK là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đừng “tự lấy đá ghè chân nhau”

Với những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU…, như lưu ý của ông Nguyên, khi XK thanh long ruột đỏ thì khúc mắc mà các nhà XK của Việt Nam gặp phải là yêu cầu về bản quyền giống.

Điều này có thể thấy rõ như trong tháng 1/2023, một số DN như Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mầm Xanh đã không thể xuất đơn hàng thanh long ruột đỏ sang thị trường Nhật vì gặp vướng trong chuyện bảo hộ giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) do Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit mua bản quyền giống từ Viện Cây ăn quả miền Nam và được cấp bảo hộ giống từ năm 2016 với thời hạn lên tới 20 năm.

Điều đáng nói, những khúc mắc về bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LĐ1 đã được phản ánh rất nhiều trong thời gian đây nhưng chưa được giải quyết rốt ráo. Chính vì vậy đã gây hệ lụy tiêu cực, thua thiệt cho hoạt động XK trái thanh long ruột đỏ của không ít hợp tác xã (HTX), nông dân và DN.

Trở lại cuộc họp do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức nhằm thông tin về giống thanh long ruột đỏ LĐ1 với sự tham gia của Viện Cây ăn quả miền Nam, Sở NN&PTNT của các tỉnh có diện tích lớn trồng thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cùng đại diện một số hiệp hội và DN. Buổi họp đã thông tin về tình hình bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LĐ1. Qua đó, các bên đề xuất hướng giải quyết để thúc đẩy sản xuất và XK thanh long ruột đỏ trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, để tránh cho thương hiệu rau quả Việt khi XK bị “cướp tên” hoặc gặp trở ngại khi có yêu cầu về bản quyền giống thì đòi hỏi các địa phương, DN, cơ sở sản xuất giống, HTX và nông dân cần chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề bản quyền khai thác giống và những quy định liên quan.

Lẽ đương nhiên, phía cơ quan quản lý nên sớm tháo gỡ các vướng mắc trong bản quyền giống nhằm tránh tình trạng lạm dụng độc quyền sở hữu một giống cây trồng nào đó để gây khó dễ trong hoạt động canh tác và XK rau quả của nông dân, HTX, DN. Nhất là đừng để xảy ra tình trạng “tự lấy đá ghè chân nhau” khi lạm dụng chuyện bản quyền giống để triệt hạ nhau trên đường XK.

Và để ngăn ngừa tình trạng rau quả Việt bị xâm hại sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt thương hiệu cả ở trong nước lẫn ngoài nước thì khâu chính sách liên quan đăng ký bản quyền giống nên có sự thấu đáo, hợp tình hợp lý hơn nữa. Có như vậy mới tạo được ưu thế cạnh tranh cho XK rau quả Việt trên thị trường quốc tế.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/go-khuc-mac-ban-quyen-giong-de-tranh-he-luy-cho-xuat-khau-rau-qua-1090840.html