Gỡ những nút thắt, tạo đột phá để phát triểnBài 3: Khát vọng nông thôn mới

Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Tuyên Quang gặp không ít khó khăn do hình thức tổ chức sản xuất, nguồn lực còn hạn chế. Tuy nhiên, với khát vọng vươn xa, nỗ lực khắc phục khó khăn, nông thôn mới vùng quê cách mạng đang hiện hữu. Từ Tân Trào (Sơn Dương) lịch sử đến những vùng đặc biệt khó khăn như Hồng Thái (Na Hang) đều sôi động tinh thần xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2018, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2019 có thêm 6 xã, phấn đấu đến năm 2020 có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Bài 1: Chuyện trên những công trình lớn

Bài 2: “Rừng vàng”

Nhà văn hóa thôn Quyết Thắng, xã Sơn Nam (Sơn Dương) vừa hoàn thành tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Ảnh: Cao Lâm

Nhà văn hóa thôn Quyết Thắng, xã Sơn Nam (Sơn Dương) vừa hoàn thành tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Ảnh: Cao Lâm

Khẳng định thương hiệu

Ngoài lợi thế phát triển rừng, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng lại thiếu các sản phẩm độc đáo để gia tăng giá trị cho người dân. Tân Trào (Sơn Dương) nổi tiếng với những địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành “địa chỉ đỏ” về nguồn của người dân cả nước, điểm đến của du khách thập phương. Nhưng khách đến vùng đất này luôn cảm thấy “hụt hẫng” sau hành trình trải nghiệm, bởi thiếu vắng những sản phẩm độc đáo. Thế nhưng, chuyện bây giờ đã khác kể từ khi xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2014.

Cùng với sự quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng đổi mới các hình thức sản xuất để tạo ra những sản phẩm độc đáo phục vụ phát triển du lịch. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Đức Soài cho biết, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển hàng hóa chủ lực, theo đó trọng tâm là phát triển làng nghề chè Vĩnh Tân, gạo chất lượng cao Tân Trào và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, Tân Trào mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, sản xuất chè an toàn theo chuẩn VietGAP, lúa sạch, tạo thêm các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu của du khách như thổ cẩm, đồ chơi trẻ em.

Du khách đến Tân Trào giờ có thể mua các sản phẩm “made in Tân Trào” ngay tại các điểm du lịch. Chị Nguyễn Trần Cẩm Tú, du khách đến từ quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, chị từng đến Tân Trào nhiều lần, trước đây muốn tìm mua sản phẩm của xã rất khó, nhưng giờ ngay tại điểm bán hàng tại đường dẫn vào đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa, chị có thể mua ngay được chè sạch nhãn hiệu Vĩnh Tân, khăn, áo thổ cẩm, gạo ngon Tân Trào làm quà tặng người thân. Điều này tạo ấn tượng đối với du khách, bởi mỗi vùng đất mình đến đều muốn được thưởng thức những đặc sản địa phương và Tân Trào đã có.

Xã An Khang (TP Tuyên Quang) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Xã đã hình thành sản phẩm chủ lực, từng bước khẳng định được thương hiệu là mật ong Phong Thổ. Đồng chí Dương Bình Công, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm 2015 - 2020 xác định, phát triển mật ong trở thành sản phẩm chủ lực, xây dựng xã An Khang trở thành trung tâm phát triển nuôi ong mật và là đầu mối chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ong. Thực hiện mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền xã đã tạo điều kiện để Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ hoạt động, liên kết phát triển sản phẩm mật ong mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ có khoảng 2.000 đàn ong, đã ký hợp đồng tiêu thụ mật ong với Công ty TNHH Mật ong Phong Sơn (Lâm Đồng), hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm an toàn trên toàn quốc khoảng 300 tấn mật ong, 5 tấn phấn hoa mỗi năm. Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm mật ong Phong Thổ đã có nhãn hiệu, thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ở vùng non cao xã Hồng Thái (Na Hang) gặp không ít khó khăn trong việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân, trong khi đó, xã có khá nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hồng Thái nằm ở độ cao từ 800 - 1.200 m so với mặt nước biển, khí hậu trong lành, mát mẻ, sự khác biệt ấy là điều kiện phát triển cây trồng đặc sản.

Người dân thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) khơi thông kênh mương phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Cao Huy

Từ lợi thế đó, Thường trực Huyện ủy Na Hang đã tổ chức nhiều buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền xã Hồng Thái thực hiện liên kết “4 nhà”, nhờ đó Hồng Thái dần hình thành vùng chuyên canh cây trồng đặc sản. Đảng ủy xã Hồng Thái giao HTX sản xuất rau sạch Tân Hợp thực hiện liên kết với các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu các sản phẩm hàng hóa.

Hiện xã Hồng Thái có 25,5 ha rau đậu các loại, trong đó có 3,5 ha bí, 6 ha bắp cải, súp lơ, 5 ha cà chua, 4 ha khoai tây, 2 ha su su, 5 ha cây rau màu khác; 37 ha cây ăn quả các loại (trong đó có 25 ha lê); 61,6 ha chè Shan tuyết, 30 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên. Anh Đặng Đức Hầu, Giám đốc HTX sản xuất rau sạch Tân Hợp phấn khởi cho biết, HTX đang hợp tác với Siêu thị rau, quả sạch quận Cầu Giấy (Hà Nội) ký kết sản xuất, tiêu thụ khoảng từ 3 - 3,5 tấn rau, quả sạch/tháng. Ngoài sản xuất rau sạch, HTX còn liên kết với Công ty cổ phần Chè Tân Trào, phát triển trồng chè đặc sản mang thương hiệu chè Kia Tăng Hồng Thái; kết nối tổ chức các tua du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng homestay.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 100 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 38 sản phẩm đã hình thành được chuỗi liên kết, xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Khi người dân vào cuộc

Trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn lực và quỹ đất. Nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác dân vận nên những con đường mới đã mở, những nhà văn hóa đạt chuẩn được xây dựng mới. Nhiều gia đình đã hiến cả chục mét vuông “đất vàng” để thôn, xã làm đường, làm nhà văn hóa, tạo nên diện mạo nông thôn mới. Theo báo cáo Văn phòng Ban điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến 2018, toàn tỉnh đã huy động hơn 239 tỷ đồng trong nhân dân xây dựng nông thôn mới, góp phần tháo gỡ “nút thắt” về nguồn lực để thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2020 có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nuôi cá lồng trên hồ Ngòi Là, xã Trung Môn (Yên Sơn) góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Tôn Bảo

Nuôi cá lồng trên hồ Ngòi Là, xã Trung Môn (Yên Sơn) góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Tôn Bảo

Người dân xã Khuôn Hà (Lâm Bình) truyền tai nhau câu chuyện thắm đượm nghĩa tình với xóm bản của chị Quan Thị Điệp, dân tộc Tày, thôn Nà Kẹm. Chị đã hiến 700 m2 đất cho thôn xây dựng nhà văn hóa có khuôn viên và sân thể thao. Chị bảo, cán bộ, đảng viên đến nhà vận động chị nhưng trong thâm tâm chị đã nhận thức rõ nếu mình không hiến đất thì thôn làm sao có nhà văn hóa được, lấy chỗ nào để họp hành, vui chơi. Nghĩ thế, chị không băn khoăn gì khi hiến đất “vàng” của gia đình, bởi theo chị, “cho đi để nhận lại”, cái chị nhận lại là niềm hạnh phúc khi được vì cộng đồng, xóm bản, vì đám trẻ được vui chơi thể thao khi mỗi buổi chiều về.

Nhà văn hóa thôn Hoắc, thôn xa nhất và cũng khó khăn nhất của xã Thái Bình (Yên Sơn) vừa được khánh thành hồi tháng 4-2019, rộng 120 m2 có công rất lớn của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, một hộ trong thôn đóng góp. Trưởng thôn Nguyễn Văn Quảng cho biết, anh Thắng mới ngoài 30 tuổi, vừa ra ở riêng, cuộc sống còn khó khăn nhưng khi thôn có chủ trương xây dựng nhà văn hóa anh đã tự nguyện hiến đất mà không hề do dự. Ông Quảng bảo, không có đất của gia đình anh Thắng hiến tặng thì không thể làm được nhà văn hóa vì quỹ đất của thôn không còn. Quả là khi người dân vào cuộc thì việc gì cũng hoàn thành, góp phần cùng xã Thái Bình thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2019.

Khi người dân vào cuộc những khó khăn do thiếu quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng đã có lời giải. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 521 km đường giao thông; xây mới, nâng cấp, cải tạo trên 783 công trình văn hóa, gồm 30 nhà văn hóa xã, 34 sân thể thao, 608 nhà văn hóa thôn, 109 sân thể thao thôn, bản...

Những nỗ lực và khát vọng của người dân quê hương cách mạng đã tạo sức vóc mới cho mỗi làng quê, mùa no ấm đang về, nhân lên niềm tin sắt son với Đảng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/xuc-tien-dau-tu/go-nhung-nut-that-tao-dot-pha-de-phat-trien-119954.html