Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà

Ngày 16-8, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Viện Nghiên cứu ứng dụng năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức diễn đàn 'Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng'.

Sự kiện được tổ chức với mục tiêu đề xuất giải pháp thực hiện lộ trình chuyển dịch năng lượng, triển khai sử dụng nguồn năng lượng xanh trong sản xuất từ hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) giúp doanh nghiệp sớm tiến tới mục tiêu xanh hóa và giảm phát thải carbon tại Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng các nhiệm vụ cụ thể trong Quy hoạch ngành năng lượng và chính sách phát triển ngành năng lượng tái tạo.

 Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI

Theo đó, tại Quy hoạch điện VIII đã đưa ra những giải pháp và bước tiến có tính đột phá trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, loại hình này không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn công suất.

Trao đổi tại diễn đàn, một số doanh nghiệp cho biết còn gặp khó khăn trong triển khai thực hiện đầu tư, lắp đặt ĐMTMN khi chưa có các phương án, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, tại dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu được đề xuất điều chỉnh mới đây, vẫn còn những tồn tại trong thủ tục hành chính. Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, hộ dân lắp đặt ĐMTMN tự sản, tự tiêu không chỉ phải hoàn thành các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy,... theo quy định của pháp luật hiện hành mà còn phải thực hiện các thủ tục hành chính khác tại sở công thương của tỉnh khi nộp hồ sơ đăng ký.

 Toàn cảnh diễn đàn

Toàn cảnh diễn đàn

Các doanh nghiệp đề xuất bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống ĐMTMN, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đồng thời, xem xét lại công suất trong quy hoạch để nới rộng hoặc bỏ hạn ngạch phân bổ theo các tỉnh, thành để tạo điều kiện khuyến khích, thu hút người dân đầu tư lắp đặt ĐMTMN phục vụ kinh doanh, sản xuất và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài ra, việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện các thỏa thuận xanh của EU đang tạo ra những thay đổi lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Doanh nghiệp cũng mong muốn các bộ, ban ngành sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.

ĐMTMN là nguồn điện sạch có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất khi truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện có sẵn, tận dụng được nguồn năng lượng vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải. Do đó, sử dụng ĐMTMN vừa giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, chủ động được một phần điện năng cho sản xuất, vừa gia tăng lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

HẢI NGỌC - ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/go-nut-that-cho-doanh-nghiep-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-post754394.html