Gỡ nút thắt cho hoạt động cứu trợ
Truyền thống tương thân tương ái, giúp người trong hoạn nạn là một trong những nét đẹp văn hóa cơ bản của người Việt đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong thời đại ngày nay, nét đẹp đó càng được kết tinh, lan tỏa trong cộng đồng với tinh thần nhân văn 'không để ai bị bỏ lại phía sau'.
Truyền thống tương thân tương ái, giúp người trong hoạn nạn là một trong những nét đẹp văn hóa cơ bản của người Việt đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong thời đại ngày nay, nét đẹp đó càng được kết tinh, lan tỏa trong cộng đồng với tinh thần nhân văn “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong một thời gian ngắn, cả nước đã góp sức người, sức của hướng về miền trung thân yêu. Riêng số tiền huy động từ các cá nhân, các nhóm thiện nguyện lên đến hàng trăm tỷ đồng bao gồm cả tài lực, vật lực và chắc chắn sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Có một thực trạng cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay khá nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện không mấy tin tưởng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc phân phối hàng cứu trợ. Lý do là trước đó từng có hiện tượng chậm trễ, thiên vị, tư túi, bớt xén, ăn phần trăm của một bộ phận cán bộ, người thực thi công vụ, gây mất niềm tin. Vì vậy họ muốn trực tiếp đến tận nơi, trao tận tay tiền, hàng cứu trợ thì mới yên tâm. Suy nghĩ này là có thể hiểu được, nhưng lại “vướng” Điều 5, Chương II, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 của Chính phủ quy định những đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ; ngoài những đơn vị được phép theo quy định, thì “không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”. Nội dung này đã gây nhiều tranh cãi và cách hiểu khác nhau về quyên góp, cứu trợ vùng thiên tai, bão lũ, phần nào khiến hoạt động cứu trợ bị “chùng” lại.
Trước hết, phải khẳng định, mục tiêu của Nghị định 64/2008/NĐ-CP là vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ từ xã hội tốt nhất, chứ không phải để “làm khó” người thiện nguyện. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều hoạt động thiện nguyện tự phát tuy nhanh chóng, đáp ứng ngay được một số nhu cầu trước mắt của người dân nhưng thiếu tính bao quát, thiếu sự phối hợp với các cơ quan chức năng nên hiệu quả chưa cao. Thí dụ, các đoàn cứu trợ đổ dồn đến hiện trường khi thời tiết vẫn còn mưa gió, nước to khiến giao thông đình trệ, đường tắc, thuyền lật tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nhu yếu phẩm bị ướt, hỏng… Việc nắm bắt nhu cầu người dân chưa thật tốt, nên xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, “cái cần không có, cái có rồi lại có thêm”. Khi số tiền, hàng cứu trợ nhỏ còn có thể châm chước, nhưng nếu lên đến hàng trăm tỷ đồng thì phải coi đây là một nguồn lực xã hội cần được sử dụng và điều phối hợp lý cho những mục tiêu trước mắt và lâu dài.
Khi xảy ra thảm họa thiên tai, người dân địa phương bị đe dọa bởi các nguy cơ theo từng giai đoạn như sau: đầu tiên là thiếu lương thực, nhu yếu phẩm hằng ngày; tiếp theo là dịch bệnh và bệnh tật hoành hành; và cuối cùng là nguy cơ đói nghèo do mất hết tài sản, tư liệu sản xuất. Như vậy, người dân cần được hỗ trợ cả trước mắt và lâu dài, trong đó hỗ trợ lâu dài là căn bản. Làm sao để hoạt động cứu trợ không “rút theo cơn lũ”, số tiền cứu trợ tiếp tục được đóng góp cho “hậu lũ” và nguồn lực xã hội này được sử dụng cho những mục tiêu lâu dài là xóa đói, giảm nghèo, phục hồi cuộc sống bình thường là bài toán hóc búa. Vấn đề cấp thiết đang được dư luận đặt ra là công tác tổ chức, phối hợp, phân vai trong cứu trợ thế nào cho thuận lợi, công bằng, tạo sự đồng thuận và khuyến khích, cổ vũ nhiều người hăng hái tham gia? Và điều chắc chắn rằng, để nguồn lực này được sử dụng hiệu quả, phải có sự phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân thiện nguyện với đơn vị chức năng của Nhà nước theo các quy định của pháp luật, dựa trên những tiêu chí minh bạch, khách quan, công bằng, tránh thất thoát, lãng phí thì mới gây dựng được niềm tin và tạo sự đồng thuận xã hội trong hoạt động nhân văn này.
Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng nghị định mới thay thế nghị định 64/2008/NĐ-CP. Bộ Tài chính chủ trì, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan liên quan và người dân để xây dựng nghị định này. Đây là một quyết định kịp thời, tháo gỡ những “nút thắt” của hoạt động cứu trợ.
Trước mắt, trong lúc chờ có nghị định mới, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và Hội Chữ thập đỏ, các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thiện nguyện thực hiện cứu trợ làm tốt công việc của mình. Các tổ chức, cá nhân thiện nguyện khi tham gia hoạt động cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ, cần chủ động thông tin, có kế hoạch phối hợp và chấp hành sự hướng dẫn của chính quyền địa phương. Khi phát hiện những hành vi cản trở, không trong sáng, cần kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng, tránh những phản ứng bột phát trên mạng xã hội gây hoang mang, sai lệch.
Hướng về miền trung bằng tất cả tấm lòng trắc ẩn, yêu thương, sẻ chia và đoàn kết, đồng thuận cũng là cách chia sẻ góp phần xoa dịu nỗi đau của đồng bào, đúng theo tinh thần nhân văn và nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/go-nut-that-cho-hoat-dong-cuu-tro-621807/