Gỡ nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế
Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội
Ngày 17-12, Chính phủ cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức". Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì phiên toàn thể.
Cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng
Diễn đàn thảo luận, làm rõ về bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, lựa chọn chính sách phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong phần phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã điểm lại bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 với nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỉ USD; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Trưởng Ban kinh tế Trung ương lưu ý nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. "Với loạt bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ... đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước" - ông Trần Tuấn Anh nhận định.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra dự báo những thách thức với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, đồng thời nêu rõ định hướng điều hành của Chính phủ năm tới. Theo Bộ trưởng, với độ mở của nền kinh tế lớn, khi những tác động từ bên ngoài và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế tác động mạnh đến dư địa điều hành chính sách, thị trường vốn, thị trường bất động sản (BĐS), từ nửa đầu quý IV/2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh, lao động - việc làm của người dân, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng.
Trong năm 2023 và giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng hệ thống pháp luật phải thật sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất - kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. "Hệ thống pháp luật phải tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; minh bạch, công khai hóa thông tin, cũng như trách nhiệm bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư, DN và người dân" - ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất kịp thời và dứt khoát trong cuối năm 2022. Năm 2023, Việt Nam cần cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. "Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023, triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam" - ông Andrew Jeffries nhận định.
Phát triển lành mạnh thị trường vốn
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại tinh thần càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết, thống nhất, cùng thực hiện các nhiệm vụ giải pháp; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, DN. Thủ tướng yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn. "Điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò nòng cốt của các ngân hàng thương mại nhà nước" - Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, phải bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu DN, chứng khoán, BĐS. Thủ tướng cho rằng việc phát triển thị trường cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư. Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia:
Sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp
Cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, cân bằng giữa kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỉ giá. Chính phủ cần có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho DN, hộ gia đình vừa bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính - BĐS. Trong đó, cần sớm giải quyết rủi ro của trái phiếu DN.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:
"Bơm" vốn cho lĩnh vực BĐS
Trong thời gian chờ Luật Đất đai sửa đổi và một số luật liên quan được ban hành, cần rà soát, sửa đổi một số quy định dưới luật theo hình thức một nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều nghị định. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước "bơm" nguồn vốn tín dụng bổ sung vào nền kinh tế đúng đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi; các dự án đang xây dựng dở dang; các dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các DN có uy tín…