Gỡ nút thắt đất đai trong cổ phần hóa, thoái vốn
Chính thức triển khai từ năm 1992 với yêu cầu cơ bản hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến nay, tiến trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) vẫn cách rất xa 'vạch đích'.
Chính thức triển khai từ năm 1992 với yêu cầu cơ bản hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến nay, tiến trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) vẫn cách rất xa "vạch đích".
Ðáng lưu ý, tiến độ CPH, thoái vốn càng về sau càng chậm. Giai đoạn 2017 - 2020, cả nước phải hoàn thành CPH 127 DN nhưng đến hết tháng 11-2020 mới đạt 28% kế hoạch, tiến độ thoái vốn cũng chỉ đạt hơn 26% kế hoạch. Nguyên nhân dẫn đến CPH chậm thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản vẫn là vướng nút thắt liên quan Luật Ðất đai.
Các DN thuộc diện CPH trong giai đoạn này sở hữu nhiều đất đai trải dài trong cả nước cho nên việc rà soát phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất rất khó khăn với nhiều quy trình, thủ tục phức tạp liên quan tính chất lịch sử và pháp lý đất đai. Thí dụ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có hàng nghìn mảnh đất trên 63 tỉnh, thành phố; Tổng công ty Lương thực miền bắc (Vinafood 1) phải làm việc với 22 đơn vị đang sở hữu hơn 200 mảnh đất tại 25 địa phương; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank có tới hơn 290 cơ sở nhà đất với nguồn gốc đất đa dạng…
Chính vì vậy, các DN thuộc diện CPH có quy mô lớn như VNPT, Vinafood 1; Agribank, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)… hiện vẫn chưa thể hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị DN.
Trong thực tế, tiến trình CPH, thoái vốn từng xảy ra tình trạng thâu tóm "đất vàng", DN sau CPH sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng, gây thất thoát tài sản nhà nước từ đất đai… cho nên gần đây, hàng loạt chính sách liên quan CPH, thoái vốn đã được sửa đổi, bổ sung để khắc phục. Tuy nhiên, những giải pháp chống thất thoát đất công trước và sau khi CPH được quy định tại Nghị định số 126/2017/NÐ-CP và Nghị định số 32/2018/NÐ-CP được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu xác định đúng giá trị CPH, nhất là giá trị đất đai thông qua quy trình lập, phê duyệt và thực thi phương án sử dụng đất của DN, không những chưa phát huy được hiệu quả mà còn là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến tiến trình CPH, thoái vốn nhà nước tại DN chững lại.
Lý do bởi nhiều nội dung quy định chưa cụ thể, dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, DN cũng chưa chấp hành tốt pháp luật về quản lý đất đai và CPH, thoái vốn.
Ðể hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn nhà nước tại DN, tiến tới nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, trong thời gian tới, cần tập trung gỡ nút thắt lớn nhất về đất đai. Trong đó, nghiên cứu xây dựng chính sách quy định DN chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải thông qua hình thức đấu giá; Nhà nước thu hồi đất để tổ chức đấu giá khi chuyển mục đích sử dụng đất của DN.
Ðồng thời, bổ sung các chế tài đủ mạnh đối với việc DN làm thất thoát diện tích đất của Nhà nước giao trong quá trình sử dụng; ban hành hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định đúng và đủ lợi thế đất đai mang lại… Có như vậy mới ngăn ngừa được những sai phạm gây thất thoát, lãng phí trong CPH, thoái vốn và tạo hành lang pháp lý minh bạch để các đơn vị không viện lý do "chính sách không rõ ràng" nhằm níu kéo quyền lợi, chây ì thực hiện nhiệm vụ.