Gỡ nút thắt để hợp tác xã của Hà Nội tiếp cận vốn ngân hàng
Việc thiếu tài sản thế chấp nên khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, khiến cho trên 80% số hợp tác xã (HTX) phải vay trên thị trường phi chính thức và tín dụng 'đen' với lãi suất cao. Việc HTX khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thương mại do điều kiện mà các nhà băng đưa ra không phù hợp với khả năng của HTX. Nhất là các điều kiện vay mà Luật HTX 2012, đưa ra. Vì thế, cần sửa đổi và ngành ngân hàng có điều kiện vay vốn dành riêng cho khu vực HTX.
HTX đều khát vốn
Đến nay, trên toàn TP Hà Nội có 2.347 HTX, trong đó có 61 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 80 HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Doanh thu bình quân của HTX là 2.500 triệu đồng/năm; lãi bình quân của HTX đạt 150 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX là 57 triệu đồng/năm.
Các HTX của TP Hà Nội ổn định, phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Nhiều mô hình kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại: Tham gia hội chợ, hội nghị giao thương. HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình Vietgap hoặc sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tem nhãn, bao bì... nên đã góp phần tăng giá trị sản phẩm của HTX.
Trong thời gian qua có một số HTX tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi phát tiển tốt như: HTX Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai với Chuỗi lợn sinh học, tổng 4.180 đầu con lợn, 100% đàn lợn là giống gen của Pháp, giống tốt có năng suất, chất lượng cao. HTX gồm 10 thành viên, vốn điều lệ là 5,4 tỷ đồng. Hàng năm đã đem lại công việc thường xuyên cho các thành viên với mức lương bình quân là 7,5 triệu đồng/tháng.
HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng huyện Đông Anh với 20 thành viên, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho các lao động có mức lương trung bình là 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, trên địa bàn TP Hà Nội còn nhiều HTX tổ chức sản xuất cung cấp dịch vụ đầu ra cho thành viên: Đa số các HTX đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, tích cực tham gia các hội chợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương. Liên kết các khâu tham gia chuỗi giá trị, hỗ trợ thành viên trong tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên yên tâm sản xuất như: HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, HTX NN Vân Nam với chuỗi chuối VietGap, HTX Văn Đức, HTX Đa Tốn (Gia Lâm)…
Muốn phục hồi và đẩy mạnh sản xuất rất cần đến vốn, nhất là hiện nay giá tất cả các loại vật tư, chi phí đều tăng trong khi việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn ở... thì tương lai vì rất cần gỡ nút thắt để ngân hàng "mạnh dạn" cho vay
Gỡ nút thắt để ngân hàng "mạnh dạn" cho vay
Chia sẻ khó khăn vay vốn, đại diện HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì cho biết: Hiện nay, các HTX vay được vốn chủ yếu thông qua các nguồn Quỹ phát triển HTX, tuy nhiên hạn mức vay còn thấp. Trong khi đó, rất nhiều HTX có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng không đủ điều kiện vay. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều HTX rất tiềm năng nhưng không phát triển mạnh được.
Trên thực tế các ngân hàng thương mại và các (TCTD) là các đơn vị thuần túy kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận, yêu cầu cao về điều kiện, e ngại cho HTX vay vì chi phí cho vay cao. Chính vì thế khiến cho trên 80% số HTX phải vay trên thị trường phi chính thức và tín dụng "đen" với lãi suất cao
Ông Phạm Công Bằng - Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho biết, chỉ có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn của các TCTD. Trong khi thực tế nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, HTX là rất lớn và cấp thiết, bởi nguồn vốn tín dụng là yếu tố quyết định để phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo quy định để được vay vốn phải có tài sản thế chấp, nhiều HTX không có tài sản chung, thậm chí nhiều HTX kiểu mới không có trụ sở, nên phải lấy tài sản của một thành viên HTX để thế chấp, nhưng một số thành viên trong gia đình không đồng thuận nên việc vay vốn thế chấp của HTX rất khó.
Ngoài ra, HTX phải có dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình khảo sát cho thấy, đa số HTX hoạt động lỗ trên sổ sách kế toán.
Theo Luật HTX, khi HTX đầu tư phải nộp thuế VAT. Trong khi đó, để vay được vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX rẻ được vài % lãi suất, nhưng lại phải nộp 10% thuế VAT, nên HTX đang định vay sẽ không vay nữa.
Để tháo gỡ những khó khăn mà các HTX gặp phải, đại diện HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) kiến nghị: Được tạo điều kiện về vốn hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, theo hướng giảm bớt các điều kiện được vay vốn; có cơ chế cho các HTX được vay vốn lãi suất ưu đãi; thời gian cho vay đối với sản xuất nông nghiệp có thời gian vay dài tối thiểu từ 10 năm trở lên…Thành viên hoặc HTX vay vốn ở ngân hàng hoặc các TCTD khác đề phục vụ sản xuất các cấp xem xét hỗ trợ lãi suất từ 3 năm trở lên để phần nào giảm bớt khó khăn cho thành viên và HTX.
Đại diện ngân hàng thương mại Agribank cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến dư nợ tín dụng cho vay HTX vẫn còn hạn chế là do nhiều HTX chưa đáp ứng được điều kiện đăng ký vay vốn (quy mô nhỏ, phương án sản xuất không khả thi…); chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh (năng lực tài chính, cơ sở vật chất… còn kém, vốn tự có không đáp ứng được yêu cầu ngân hàng…); đối tượng vay là HTX chứa đựng nhiều rủi ro…; Chưa có tính liên kết (chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất với đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm).
Vì vậy, đại diện Agribank kiến nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật HTX 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới. Nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên lên trên 20% để khuyến khích tăng nguồn vốn huy động cho HTX. Bổ sung các chính sách bảo hiểm cho HTX và thành viên. Đồng thời, bố trí ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được ghi thành khoản mục riêng trong dự toán ngân sách nhà nước…
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị các TCTD cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao, HTX tham gia các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi.... ông Tú nhấn mạnh: Tôi đặt hàng với Viện Chiến lược ngân hàng nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phù hợp để HTX tiếp cận được vốn vay ngân hàng.