Gỡ 'nút thắt' để mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Dự án Mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được đánh giá rất cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông khi Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác trong năm 2026.
Tuy nhiên, hiện dự án này vẫn chưa thể triển khai thực hiện do “nút thắt” về vốn đầu tư.
Sớm triển khai để kết nối Sân bay Long Thành
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến được đưa vào khai thác thương mại trong năm 2026. Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), khoảng 80% lượng hành khách đến Sân bay Long Thành sẽ có nhu cầu đi đến Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Do đó, việc kết nối giao thông giữa Sân bay Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh là rất quan trọng để phục vụ khai thác sân bay này.
Trong quy hoạch, việc kết nối giao thông giữa Sân bay Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều loại hình giao thông. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của dự án, đường bộ vẫn là phương thức chủ yếu, trong đó tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đóng vai trò huyết mạch. Chính vì vậy, ACV cũng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện mở rộng tuyến đường cao tốc này.
Ngày 11-12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành gửi Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án bảo đảm khả thi, đúng quy định sau khi được cấp có thẩm quyền xử lý việc bổ sung vốn điều lệ cho VEC và việc khoanh, lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ cho VEC.
Tương tự, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện Dự án Mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để đảm bảo kết nối giao thông cho Sân bay Long Thành.
“Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đôn đốc Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương hoàn tất hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sớm triển khai thực hiện Dự án Mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để đảm bảo việc kết nối với Sân bay Long Thành đưa vào khai thác năm 2026” - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức kiến nghị trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai Dự án Sân bay Long Thành, hạ tầng kết nối và quy hoạch, phát triển đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận vào đầu tháng 12 vừa qua.
Cuối tháng 11-2024, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án đầu tư Dự án Mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Theo Bộ Giao thông vận tải, so với đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), việc giao cho VEC thực hiện đầu tư dự án sẽ có nhiều ưu điểm gồm: phát huy vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, đồng bộ trong vận hành, khai thác tuyến đường cao tốc; phù hợp với kế hoạch giao tài sản này cho VEC trong thời gian tới, thông qua hình thức tăng vốn điều lệ; không phải sử dụng vốn đầu tư công; thời gian thực hiện ngắn hơn; không phải xử lý xung đột lợi ích giữa VEC và chủ thể mới khi đầu tư theo phương thức PPP.
Xử lý nguồn vốn đầu tư
Theo phương án được đề xuất, Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành có tổng chiều dài gần 22km. Trong đó, đoạn từ nút giao với đường vành đai 2 - Thành phố Hồ Chí Minh đến nút giao với đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lên quy mô 8 làn xe theo quy hoạch.
Đoạn từ nút giao với đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đầu tư mở rộng quy mô 10 làn xe theo quy hoạch. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 15 ngàn tỷ đồng, bao gồm hơn 5,5 ngàn tỷ đồng vốn chủ sở hữu của VEC và 9,7 ngàn tỷ đồng vốn vay thương mại.
Tuy nhiên, để VEC đầu tư dự án, lãnh đạo VEC kiến nghị cấp thẩm quyền phải cho 2 cơ chế. Thứ nhất, tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp từ hơn 1,1 ngàn tỷ đồng lên gần 39 ngàn tỷ đồng. Thứ hai, VEC phải được hưởng chính sách khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến khoản vay trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ cho doanh nghiệp trước đây. Sở dĩ VEC cần 2 cơ chế này vì nguồn vốn tự có đang phải dồn đầu tư dự án khác và trả nợ. Còn vốn điều lệ thấp không có ngân hàng nào cho vay khoản tiền lớn.
Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về tiến độ triển khai Dự án Sân bay Long Thành, hạ tầng kết nối và quy hoạch, phát triển đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận, liên quan Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của VEC. Do đó, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, xử lý dứt điểm, trong đó lưu ý, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, việc tăng vốn điều lệ của VEC cần được tính đến nhiều phương án, trong đó có phương án tăng vốn theo lộ trình nhiều bước phù hợp với yêu cầu thực tế, khả năng tiếp nhận quản lý, phương án tham gia tài chính của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).