Gỡ 'nút thắt' để thu hút vốn ngoại

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 7/2024, khối ngoại chỉ còn bán ròng gần 9.100 tỷ đồng trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), giảm gần một nửa so với mức bán ròng của 2 tháng liền trước ở mức 15.695 tỷ đồng và 16.605 tỷ đồng. Lũy kế trong 7 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng gần 62.200 tỷ đồng trên sàn HOSE (hơn 2,4 tỷ USD).

Đánh giá về xu hướng rút vốn của khối ngoại, bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam cho rằng, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 10-15% giá trị giao dịch trên thị trường nhưng động thái bán ròng kỷ lục chắc chắn tác động đến thị trường, đặc biệt là tâm lý nhà đầu tư trong nước.Tuy nhiên, làn sóng rút vốn này không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam mà còn ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia… do sự dịch chuyển dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên thị trường hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bà Bùi Thị Thao Ly nhận định: “Kỳ vọng áp lực rút vốn của khối ngoại sẽ giảm trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 khi tỷ giá hạ nhiệt theo lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Viễn cảnh tích cực hơn là dòng vốn ngoại sẽ sớm quay lại khi tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam có những diễn biến mới tích cực”.

Còn theo ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, khối ngoại bán ròng chủ yếu bởi việc chốt lời! “Sau đợt bán ra của khối ngoại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng điều này để tăng cường các khoản đầu tư chiến lược dài hạn của họ vào Việt Nam”, ông Michael Kokalari cho hay.

Mặc dù vốn ngoại chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng vốn trên thị trường chứng khoán, nhưng những đợt bán ròng thời gian qua của khối này đã ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư trên thị trường.

Dưới góc độ một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cho rằng, hiện thị trường Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị thu hút sự quan tâm nhà đầu tư ngoại. Trong đó, có việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng tác động tới quyết định của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán, mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn tất lấy ý kiến và chính thức công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi các quy định về chứng khoán. Trong đó, đã gỡ các “nút thắt” liên quan giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện mục tiêu của thị trường chứng khoán Việt Nam là tập trung nâng hạng theo tiêu chí của tổ chức xếp hạng FTSE Russel.

Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) là trở ngại lớn nhất với quá trình nâng hạng. Do đó, dự thảo Thông tư điều chỉnh các thông tư về giao dịch, đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ và hoạt động của công ty chứng khoán tập trung vào 2 nội dung chính là bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Bùi Hoàng Hải thông tin.

Cụ thể, dự thảo đề xuất cho phép nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán và bắt buộc các công ty niêm yết phải công bố thông tin bằng tiếng Anh. Điều này kỳ vọng sẽ là cú hích cho khối ngoại quay trở lại mua ròng trong thời gian tới.

Diên Vĩ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/go-nut-that-de-thu-hut-von-ngoai-175317.html