Gỡ nút thắt, giải phóng nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân
Năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
Đánh giá về vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tại Hội thảo về đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân cuối tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã có nhiều thay đổi tích cực.
Chẳng hạn như, phương thức kiểm tra, giám sát đã được thay đổi theo hướng giảm phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp, chuyển từ tư duy tiền kiểm, sang hậu kiểm nhất là trong thời gian gần đây với cải cách về kiểm tra chuyên ngành, thông quan xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, đã giảm số lần đáng kể kiểm tra, thanh tra, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có liên quan giảm chồng chéo, trùng lặp, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai cơ chế một cửa,…
20% DOANH NGHIỆP BỊ THANH TRA 2 LẦN TRONG NĂM COVID 19
Mặc dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát như thay đổi trong công tác kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu đề ra; một số thay đổi mang tính chất cơ học, không thực chất (kiểm tra chuyên ngành); chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra.
“Vẫn còn gần 20% số doanh nghiệp được khảo sát gần đây cho biết vẫn bị thanh, kiểm tra 2 lần/năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng vẫn bị kiểm tra, công tác thanh tra, kiểm tra tạo nhiều rủi ro cho doanh nghiệp…”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy.
Trong bối cảnh dịch Covid 19 gây tác động tiêu cực kinh tế toàn cầu gồm cả Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân là được đánh giá là đối tượng “dễ vỡ nhất” khi phần lớn vẫn là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, sức chống chịu kém. Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020 và gần gấp đôi so với con số thành lập mới. Dịch bệnh vẫn đe dọa doanh nghiệp, do đó, việc thanh kiểm tra trong bối cảnh khó khăn đã tạo áp lực thêm cho doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) cho rằng, muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển hệ thống thanh tra nhà nước phải bỏ đi, thay vào đó đưa hệ thống tòa án lên thành công cụ tin cậy giải quyết tranh chấp phát sinh.
“Người dân được tự do làm, nhà nước chỉ can thiệp khi phát hiện doanh nghiệp có rủi ro và muốn làm được thế thì phải sắp xếp doanh nghiệp thành các nhóm “xanh, đỏ, vàng” khác nhau, chỉ tập trung giám sát những nhóm có thể gây rủi ro cho xã hội, còn nhóm khác đã có tòa án. Khi lợi ích bị vi phạm thì mang ra tòa án giải quyết”, ông Cung nhấn mạnh.
TRÁNH HÌNH SỰ HÓA QUAN HỆ KINH TẾ, DÂN SỰ
Vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế...
Các bộ, ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách từ “quản lý”, quản lý doanh nghiệp, quản lý người dân sang tư duy “phục vụ”: phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân. Các cơ quan công quyền cần lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank kiến nghị tại Đối thoại 2045.
Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều.
Những điểm tồn tại, hạn chế này của khu vực kinh tế tư nhân trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để khắc phục bất cập trên, giải pháp trong giai đoạn tới xác định đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tham gia doanh nghiệp trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công; giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ doanh nghiệp; phi hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Trong đó, với công tác thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và can thiệp vào các vấn đề quản trị nội bộ của doanh nghiệp; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. "Đổi mới tư duy thanh tra, kiểm tra là giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật chứ không phải trừng phạt, triệt tiêu doanh nghiệp; áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp pháp luật chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu khác nhau,…", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.