Gỡ nút thắt giúp doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%
Gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ được ví như 'phao cứu sinh', giúp doanh nghiệp (DN) sớm hồi phục sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hơn 1 năm triển khai, thực hiện, số DN tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này không nhiều.
Công ty TNHH Daehan Global, xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) có nhu cầu tiếp cận gói hỗ trợ nhưng không nắm được thông tin.
Công ty TNHH may Kim Anh, địa chỉ Khu Công nghiệp (KCN) Đình Hương - Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa) là doanh nghiệp chuyên gia công hàng may mặc phục vụ thị trường xuất khẩu. Sản phẩm của công ty gồm áo sơ mi, quần âu, váy, áo khoác... được xuất khẩu chủ yếu đi thị trường Hoa Kỳ.
Bà Nguyễn Thị Kim, Giám đốc công ty, cho biết: Ngoài cơ sở chính đặt tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, công ty còn 1 cơ sở may đặt tại xã Hoàng Giang (Nông Cống). Trước đây, khi chưa xảy ra dịch COVID-19, lượng hàng xuất đi của 2 cơ sở luôn ổn định từ 150.000 - 200.000 sản phẩm/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 400 lao động, với mức thu nhập dao động từ 6,5 đến gần 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch đến nay, hoạt động sản xuất của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Để duy trì sản xuất, công ty chấp nhận những đơn hàng nhỏ lẻ, lợi nhuận thấp, thậm chí không có lợi nhuận.
Trong khó khăn này, rất may dịp tháng 7-2022, DN đã tiếp cận thành công gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Ngân hàng ACB. Tiếp cận được gói vay hỗ trợ lãi suất, không chỉ giúp DN đỡ một phần gánh nặng nguồn vốn, mà còn tạo động lực để DN vững tâm duy trì sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Công ty TNHH giấy Minh Đức ở xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) là DN chuyên sản xuất bột giấy, giấy và bìa làm hộp carton cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh. Ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc công ty, cho biết: "Công ty chúng tôi được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, số tiền là 8 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa. Nhờ có gói hỗ trợ lãi suất đã giúp DN ổn định sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức thu nhập dao động từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng".
Gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ được ví như “phao cứu sinh”, giúp DN, HTX, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, góp phần quan trọng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình được kỳ vọng sẽ kích thích nền kinh tế, giúp các DN, HTX, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa, hơn 16 tháng triển khai, thực hiện (từ ngày 20-5-2022 đến 30-9-2023), Thanh Hóa mới chỉ có 208 khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất với dư nợ 1.343 tỷ đồng và tiền lãi suất đã hỗ trợ 17,5 tỷ đồng. Con số này, so với nhu cầu vốn thực tế của các DN, HTX và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn quá thấp và chưa đáp ứng như kỳ vọng khi triển khai, thực hiện chương trình.
Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5-2022 đến ngày 31-12-2023. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên tới 40.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp DN, HTX, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất chưa được nhiều khách hàng tiếp cận được chỉ ra rằng có nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân đó là tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các khoản vay sau đó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là hộ kinh doanh, HTX thường không có bộ máy kế toán chuyên nghiệp, nên rất lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ. Mặt khác, nhiều đối tượng khách hàng cũng gặp khó khăn trong việc chứng minh DN mình đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện để được hỗ trợ lãi suất.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa cho rằng, có quá nhiều điều kiện quy định. Trong khi đó, thời gian thực hiện gói hỗ trợ gần hết nhưng đến thời điểm này chưa thấy có văn bản hướng dẫn để DN tiếp cận. Hiện đang tồn tại nghịch lý đó là DN thiếu vốn, ngân hàng thừa vốn. Việc DN thiếu vốn, ảnh hưởng rất lớn, tác động tiêu cực đến tiến độ thực hiện các dự án. Vì vậy, cộng đồng DN mong muốn Ngân hàng Nhà nước có sự sát sao hơn, có văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện DN tiếp cận nguồn vốn, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.