Gỡ nút thắt hạ tầng giao thông ở Lục Ngạn
Vài năm gần đây, nhờ Nghị quyết số 06, 07 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn nên mạng lưới giao thông ở các thôn, xóm trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cơ bản được cải thiện. Tuy nhiên, đối với hệ thống đường huyện, tỉnh và quốc lộ lại có nhiều bất cập, chưa đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân.
Quá tải, xuống cấp
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có 2 tuyến quốc lộ chạy qua là quốc lộ 31 và 279 với tổng chiều dài 65km. Trong đó, quốc lộ 31 là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng của huyện, dài 40km. Đây là tuyến đường chính nối từ TP Bắc Giang và các huyện lân cận về Lục Ngạn, Sơn Động, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông rất lớn, nhất là vào mùa thu hoạch vải thiều, cam, bưởi. Trong khi đó, tuyến đường đã xuống cấp, nhiều đoạn xuất hiện ổ voi, ổ trâu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Mặc dù là huyện có diện tích rộng nhất tỉnh nhưng Lục Ngạn chỉ có 5 tuyến đường tỉnh chạy qua, tổng chiều dài 70,9km. Hầu hết các tuyến đường này được xây dựng từ lâu, mặt đường hẹp, cũ nát. Khó khăn nhất là tuyến đường 248, từ xã Phong Vân đi xã Sa Lý và tuyến đường 289, từ thị trấn Chũ đi hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao, mặt đường trải đá dăm nhựa, chỉ rộng 3,5m, nhiều đoạn đã bị bong tróc.
Không chỉ bất cập ở hệ thống đường tỉnh, quốc lộ, mạng lưới đường huyện của Lục Ngạn được xem là kém nhất tỉnh, với 7 tuyến chính. Mặc dù thời gian qua, huyện đã huy động các nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp, song do tập trung cao cho cứng hóa đường giao thông nông thôn nên việc đầu tư cho các tuyến đường huyện còn hạn chế. Nhiều tuyến đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong số những tuyến đường huyện đang rất cần đầu tư nâng cấp phải kể đến tuyến đường 86 từ xã Trù Hựu đi xã Phượng Sơn, dài 12 km và đường 87 từ xã Phượng Sơn đi xã Nam Dương, dài 8,2km. Theo ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, hệ thống quốc lộ, đường tỉnh và huyện trên địa bàn nhìn chung có cấp độ thấp (cấp V, IV), mặt đường nhỏ hẹp, chất lượng mặt đường xấu, xuống cấp; mạng lưới đường còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Sớm gỡ nút thắt
Lục Ngạn có rất nhiều sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng cả nước, đặc biệt là sản phẩm trái cây. Bên cạnh đó, huyện cũng có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, do hiện trạng hệ thống đường giao thông xấu đã làm tăng thời gian đi lại, thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng chi phí dịch vụ, chi phí sản xuất… làm giảm cơ hội đầu tư, giảm giá trị hàng hóa sản xuất tại địa phương, khiến cho kinh tế- xã hội của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chính vì thế, Lục Ngạn đã xác định trong thời gian tới, phát triển hạ tầng giao thông là khâu tiên quyết để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để cải thiện hệ thống đường huyện, tỉnh và quốc lộ trên địa bàn Lục Ngạn, rất cần huy động nhiều nguồn vốn đầu tư bằng cách kết hợp cả vốn đầu tư công và vốn BT (hợp đồng xây dựng- chuyển giao công trình). Mặt khác, huyện quan tâm tích hợp quy hoạch phát triển của địa phương với quy hoạch phát triển chung của tỉnh, của vùng, từ đó hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ trong tương lai.
Được biết, hiện UBND tỉnh đã có quyết định cải tạo, nâng cấp quốc lộ 31 đoạn Lục Nam- Chũ (từ Km17+800 đến Km38+600), quy mô đường cấp III, tổng mức đầu tư 279 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 289 đoạn từ thị trấn Chũ đi hồ Khuôn Thần, quy mô đường cấp III, tổng mức đầu tư 214 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp tuyến đường huyện 84, đoạn từ xã Tân Mộc đi xã Đèo Gia, quy mô đường cấp IV. Đặc biệt, hiện tuyến đường tỉnh 289 kéo dài đoạn từ thị trấn Chũ đi Đồng Đỉnh (Lục Nam) nối quốc lộ 31 với đường tỉnh 293, dài 16,7km, có quy mô đường cấp IV, tổng mức đầu tư 213 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành. Mặt khác, tuyến đường tỉnh 85 từ đèo Váng đi UBND xã Hộ Đáp cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi ngay trong năm nay…
Điều đáng lưu ý, để giảm áp lực lên quốc lộ 31, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã xây dựng quy hoạch nhiều tuyến đường trục dọc, trục ngang, kết nối giữa các tuyến. Trong đó, có 4 tuyến chính: Quốc lộ 31 (từ xã Biển Động) đi qua các xã Phú Nhuận- Đèo Gia- Nam Dương- Mỹ An đến đường tỉnh 293 (Lục Nam) về TP Bắc Giang, Hải Dương; đường tỉnh 290 (từ xã Hồng Giang) qua các xã Trù Hựu- Quý Sơn đến đường tỉnh 295 (Lục Nam) chạy song song với quốc lộ 31; tuyến đường nối từ cảng Mỹ An (Nam Dương) sang quốc lộ 31 đến xã Quý Sơn để hướng về cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn và tuyến đường từ xã Tân Sơn đi xã Hữu Kiên, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Với những biện pháp đồng bộ và quyết liệt trên, hy vọng tới đây sẽ mở ra hướng mới kết nối giao thông của huyện Lục Ngạn với các khu vực lân cận, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế- xã hội ở một huyện giàu tiềm năng này.
Đỗ Thành Nam