Gỡ nút thắt phát triển nhà ở công nhân (Bài cuối)

Thiếu nhà ở cho công nhân, câu chuyện không còn mới. Thế nhưng, vấn đề ở đây là việc triển khai, phát triển nhà ở cho công nhân nhiều năm qua dường như 'vẫn giậm chân tại chỗ'. Nguyên nhân được cho là do vướng mắc nhiều mặt như thiếu hành lang pháp lý, thiếu quỹ đất, nguồn vốn…

Hy vọng giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân đã được mở ra khi vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án triển khai 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 để giải quyết bài toán nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp (KCN). Tuy vậy, để đạt được mục tiêu, các cấp, các ngành và các địa phương cùng phải quyết liệt vào cuộc.

Đa số công nhân các KCN hiện đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ xuống cấp, tồi tàn.

Đa số công nhân các KCN hiện đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ xuống cấp, tồi tàn.

Không để tình trạng "quên" xây nhà ở công nhân

Theo con số của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2025 vào khoảng 294 nghìn căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho công nhân KCN là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134 nghìn căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, các dự án nhà ở cho công nhân KCN được hoàn thành và đưa vào sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đó cho thấy, bức tranh về nhà ở cho công nhân vẫn chưa mấy sáng sủa dù đã được Nhà nước quan tâm.

Tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở cho công nhân KCN thời gian qua theo Bộ Xây dựng có một phần nguyên nhân quan trọng đến từ việc khi triển khai xây dựng các KCN, các doanh nghiệp đã "quên" mất phần triển khai nhà ở lưu trú cho công nhân, dù đây là quy định bắt buộc phải có trong quy hoạch. Trong khi đó, chính quyền các địa phương đã chưa quản lý, giám sát chặt chẽ. Do đó, Bộ Xây dựng cho biết thời gian tới, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.

"Bộ Xây dựng đang yêu cầu các địa phương khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn. Có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng...", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết.

Để đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân và hoàn thành mục tiêu Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đại diện Bộ Xây dựng cho biết thêm, đã yêu cầu các địa phương rà soát, phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết các dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý trong giai đoạn vừa qua nhằm giải phóng các nguồn lực này, đặc biệt là các dự án đã có đất sạch, có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng được ngay, tạo nguồn cung cho thị trường. Cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

"Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đạt mụåc tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư, việc triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng", ông Hùng cho biết.

Tạo điều kiện cho Tổng LĐLĐVN tham gia

Đã triển khai thí điểm hai thiết chế công đoàn tại Hà Nam và Tiền Giang, các căn hộ cho công nhân thuê với đầy đủ tiện ích, giá thuê phù hợp. Mỗi căn hộ có diện tích từ 35 - 45m2, giá thuê từ 1 - 2 triệu đồng/căn đang được công nhân lao động tại các điểm này vui mừng đón nhận. Mặc dù có nguồn lực, nhưng hiện nay do vướng mắc về chính sách mà dự án triển khai các thiết chế công đoàn tại các KCN trên cả nước của phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cũng đang gặp không ít khó khăn.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành công ở các dự án thiết chế công đoàn thời gian qua của Tổng LĐLĐVN cho thấy hiệu quả rất cao khi để cơ quan này tham gia vào việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN. Xây dựng nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ chính trị, thực hiện an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương và của cả nước, vì thế vai trò của Tổng LĐLĐVN rất quan trọng.

"Với nguồn lực sẵn có, Tổng LĐLĐVN có thể sẽ xây dựng được hàng trăm nghìn căn nhà ở cho công nhân. Tổ chức Công đoàn tại các KCN là những người gắn bó với công nhân do đó sẽ dễ dàng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lối sống và văn hóa, văn minh công nghiệp cho công nhân, người lao động, để người lao động vốn ra đi từ nông thôn (quen với lối sống tùy tiện, dễ dãi ở làng) dần thay đổi và thích nghi với môi trường lao động công nghiệp, hiện đại", kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng lý giải.

Muốn xây nhà ở cho công nhân không vì lợi nhuận, đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu, tuy nhiên hiện việc triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn cũng đang bị "tắc". Ông Hiểu cho biết, hiện nay Tổng LĐLĐVN đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng thí điểm 1 dự án thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó là hoàn thiện đầu tư xây dựng tại thiết chế công đoàn Tiền Giang. Ngoài ra, đơn vị này đang tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các công trình văn hóa, thể thao thuộc khu quy hoạch thiết chế công đoàn tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Định, Vĩnh Phúc.

Tổng LĐLĐVN có nguồn lực tài chính, mong muốn tham gia song lại vướng Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở. Pháp luật chưa quy định dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để triển khai và không phát huy được hiệu quả của chủ thể và nguồn vốn này. Vốn đầu tư nhà ở xã hội lấy từ nguồn tài chính công đoàn là phù hợp với Luật Công đoàn. Luật này quy định nội dung chi tài chính có phục vụ hoạt động chăm lo khác cho người lao động.

"Tổng LĐLĐVN lập Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017; sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng LĐLĐVN về bản chất, là tổ chức chính trị - xã hội, không phải là tổ chức kinh tế để thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, vướng mắc này cần sớm được giải quyết. Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã quy định tại khoản 3 Điều 77: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua". Chúng tôi mong muốn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng từ phía tổ chức Công đoàn và tâm tư, nguyện vọng của người lao động để thể hiện đầy đủ nhất trong dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi, giải phóng nguồn lực xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu bức xúc về nhà ở của người lao động hiện nay", ông Hiểu nói.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/go-nut-that-phat-trien-nha-o-cong-nhan-bai-cuoi--i701233/